Các quốc gia trên thế giới khẩn cấp ứng phó biến thể mới SARS-CoV-2 tại Anh

(BKTO) - Thủ tướng Anh sẽ chủ trì một cuộc họp ứng phó khẩn cấp để thảo luận về việc đi lại quốc tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề hàng hóa đến và đi từ Anh sau khi phát hiện biến thể của SARS-CoV-2. Các quốc gia trên thế giới cũng có những động thái thận trọng trước biến thể virus mới này.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

WHO kêu gọi các nước châu Âu tăng cường biện pháp ứng phó với COVID-19

Ngày 20/12,Tổ chức Y tế Thế giới(WHO) kêu gọi các nước thành viên ở châu Âu tăng cường các biện pháp đối phó với đại dịch, trong bối cảnh biến thể mới của virusSARS-CoV-2phát hiện ở Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Australia có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% so với chủng gốc.

Theo WHO, ngoài Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca nhiễmbiến thể mớicủa virus SARS-CoV-2, Hà Lan đã ghi nhận 1 ca và Australia ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể này.

WHO nhấn mạnh tại châu Âu - nơi tỷ lệ lây nhiễm lớn và trên diện rộng, các nước cần tăng cường nỗ lực khống chế và ngăn chặn dịch bệnh.

Cùng ngày, Hà Lan thông báo nước này đã ghi nhận thêm 13.032 trường hợp mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấpCOVID-19- mức cao nhất từ trước tới nay, vượt mức kỷ lục 12.779 ca ghi nhận ngày 17/12.

Số ca nhiễm mới tại Hà Lan vẫn không ngừng tăng, bất chấp các biện pháp hạn chế mới mà chính phủ nước này áp đặt ngày 14/12 vừa qua, trong đó có đóng cửa các trường học và cửa hàng.

Trong khi đó, với 6.312 ca nhiễm mới, Iran ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức thấp nhất kể từ ngày 26/10.

Trong 24 giờ qua, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông này có thêm 177 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 53.625 người.

Theo Thứ trưởng Y tế Alireza Raisi, số ca nhiễm mới tại Iran đã giảm 50% mỗi ngày kể từ khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp đặt vào ngày 21/11.

Tuy nhiên, giới chức nước này cảnh báo xu hướng đi xuống của biểu đồ dịch bệnh này có thể đảo ngược một cách dễ dàng, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc quá nhiều trong dịp lễ Yalda.

Thủ tướng Anh chủ trì cuộc họp khẩn cấp

Người phát ngôn Văn phòngThủ tướng Anhngày 20/12 cũng thông báo Thủ tướngBoris Johnsonsẽ chủ trì một cuộc họp ứng phó khẩn cấp trong ngày 21/12 để thảo luận về việc đi lại quốc tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề hàng hóa đến và đi từ Anh.

Thông báo cũng cho biết thêm nhiều cuộc họp khác đang diễn ra trong tối 20/12 và sẽ tiếp tục vào sáng 21/12 để đảm bảo những kế hoạch tốt nhất đều được thực hiện.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giábiến thể mớicủa virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vắcxin vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu đóng cửa với người đến từ Anh sau khi nước này siết chặt các hạn chế ở thủ đô London và khu vực miền Nam England để ngăn chặn chủng mới của virusSARS-CoV-2lây lan.

Pháp thông báo sẽ cấm mọi người đến từ Anh trong 48 giờ kể từ tối 20/12, gồm cả vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển.

Quyết định này đã khiến nhà chức trách cảng Dover phải thông báo quyết định dừng dịch vụ phà, đối với cả người và hàng hóa.

Việc hạn chế đi lại diễn ra ở thời điểm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Anh, vốn đang tích cực trữ hàng vào phút chót trước ngày 31/12, khi giai đoạn chuyển tiếp hiện nay với Liên minh châu Âu (EU) sẽ kết thúc và các quy định hải quan mới sẽ có hiệu lực.

Mỹ thận trọng đối với biến thể virus SARS-CoV-2 tại Anh

Các quan chức y tế hàng đầu nước Mỹ ngày 20/12 cho biết đang xem xét "rất thận trọng" biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan tại Anh.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, cố vấn khoa học trong Chiến dịch Thần tốc, Tiến sỹ Moncef Slaoui cho biết các quan chức Mỹ "vẫn chưa biết biến thể trên đã có tại Mỹ hay không."

Theo ông Moncef Slaoui, cho đến nay, dường như chưa có biến thể nào của virus SARS-CoV-2 kháng lại được các loại vắcxin hiện có. Ông cũng lưu ý rằng loại biến thể củavirus SARS-CoV-2tại Anh rất khó có thể kháng lại khả năng miễn dịch của vắcxin.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thể tạm dừng các chuyến bay từ Anh như một số nước châu Âu đang xem xét hay không, Đô đốc Brett Giroir - Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng Mỹ chưa cần phải áp dụng biện pháp này.

Cùng ngày, Ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến nghị rằng những người từ 75 tuổi trở lên và một số nhân viên quan trọng ở tuyến đầu nên là những đối tượng tiếp theo được tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19.

Ủy ban Cố vấn về Thực hành tiêm chủng (ACIP) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 13-1 để đề xuất CDC phân loại các đối tượng tiếp theo được cung cấpvắcxin ngừa COVID-19, bao gồm những người 75 tuổi trở lên, những người quan trọng ở tuyến đầu như những nhân viên ứng cứu khẩn cấp và giáo viên.

Những khuyến nghị này sẽ áp dụng cho giai đoạn 1b của quá trình tiêm chủng, sau khi ACIP và CDC cho rằng các nhân viên y tế, cư dân của các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn nên được tiêm vắcxin đầu tiên.

Mục tiêu của giai đoạn 1b là tiêm chủng cho khoảng 50 triệu người trước cuối tháng 2/2021.

ACIP cũng quyết định rằng các nhóm cần được ưu tiên tiêm vắcxin trong giai đoạn 1c là người lớn từ 65 đến 74 tuổi và những người từ 16 đến 64 tuổi có các bệnh lý nền.

Một số đối tượng nằm trong diện ưu tiên tiêm vắcxin của giai đoạn này còn bao gồm các nhân viên bưu điện, nhân viên vận chuyển công cộng và nhân viên cung cấp thực phẩm.

Ban cố vấn của CDC khẳng định họ quyết định các nhóm ưu tiên dựa trên thông tin từ các nhà khoa học, chuyên gia tiêm chủng và công chúng.

Giám đốc CDC Robert Redfield sẽ xem xét các khuyến nghị của ACIP và xác định xem cơ quan có áp dụng những khuyến nghị trên như hướng dẫn chính thức hay không.

Các khuyến nghị được đưa ra sau khi người dân Mỹ đã nhận được những liều vắcxin đầu tiên do Pfizer-BioNTech sản xuất và sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng vắcxin Moderna vào tuần trước. Hiện nay, có khoảng 6 triệu liều vắcxin Moderna đang được vận chuyển trên khắp nước Mỹ.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Các quốc gia trên thế giới khẩn cấp ứng phó biến thể mới SARS-CoV-2 tại Anh