Các quốc gia tìm biện pháp đối phó dịch Covid-19

(BKTO)- Do những hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19 đến sức khỏe con người và nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục tung ra nhiều giải pháp ứng phó.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

Chile lập quỹ 2 tỷ USD hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 8/4, Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo quyết định thành lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cho những người lao động không chính thức bị ảnh hưởng lệnh tình trạng khẩn cấp và cách ly xã hội trước diễn biến phức tạp của Covid-19.

Tổng thống Piñera cho biết kế hoạch này là cơ sở để chính phủ giúp đỡ cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và chưa được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ trước đó. Đặc biệt, quỹ mới được thành lập này sẽ tập trung cho nhóm 2,6 triệu người lao động không chính thức vì không có hợp đồng lao động, cũng như không được hưởng lợi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Bộ trưởng Tài chính Chile Ignacio Briones, nguồn vốn để thành lập quỹ này được trích ra từ việc tái phân bổ ngân sách, trong đó có việc dừng ký hợp đồng mới và tăng lương trong lĩnh vực công, tạm dừng mua phương tiện và bất động sản mới. Ông Briones khẳng định với việc triển khai các biện pháp khẩn cấp, thâm hụt ngân sách của Chile đang ở mức 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chính phủ sẽ không còn nhiều lựa chọn để tiếp tục nới rộng thâm hụt. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho việc vay vốn ngân hàng trong thời gian tới 48 tháng.

Biện pháp hỗ trợ này, trị giá lên tới 24 tỷ USD, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong thời gian lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực và trở lại hoạt động bình thường, khi cuộc khủng hoảng dịch tễ này chấm dứt.

Brazil ưu tiên sản xuất máy thở trong nước

Còn tại Nam Mỹ, Brazil cũng cho biết sẽ ưu tiên sản xuất máy thở trong nước để đối phó dịch Covid-19. Ngày 9/4, Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta tuyên bố chính phủ nước này sẽ ưu tiên sản xuất trong nước các loại máy thở, thiết bị y tế quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 do gặp khó trong việc nhập khẩu các thiết bị này từ Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Mandetta khẳng định hầu như không có bất kỳ giao dịch mua máy thở nào được thực hiện trong những tuần gần đây, đồng thời nhấn mạnh rằng một đơn đặt hàng mua 15.000 máy thở từ Trung Quốc đã không được thực hiện. Do đó, chính phủ sẽ tìm một nguồn cung máy thở khác, nhưng mục tiêu giờ đây sẽ là hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước tăng sản lượng trong thời gian ngắn nhất.

Việc thiếu máy thở và thiết bị bảo vệ cá nhân (khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ…) là một trong những vấn đề chính mà Brazil phải đối mặt khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Mandetta, hơn 50 triệu thiết bị bảo vệ cá nhân đã được phân phối cho các bang và 40 triệu thiết bị khác sẽ được cung cấp trong tuần này. Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil đã ghi nhận 16.188 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 820 ca tử vong.

Số ca nhiễm tại Mexico vượt 3.000 người

Bộ Y tế Mexico thông báo số ca nhiễm virus SARC-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã lên đến 3.181 ca, trong đó có 174 ca tử vong. Nhà chức trách Mexico nêu rõ trong tổng số các ca nhiễm, có 15,78% số ca cần chăm sóc tích cực và 3,5% đang trong tình trạng nguy kịch. Giới chức đồng thời cảnh báo số ca tử vong có thể sẽ tăng mạnh do tỷ lệ người dân bị thừa cân và béo phì chiếm trên 70% tổng dân số. Tỷ lệ tử vong ở Mexico hiện là 5,47%.

Bộ Y tế Mexico dự báo dịch Covid-19 sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) trong vòng hai tuần tới. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, cơ quan chức năng kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết. Trước đó, Hiệp hội Y học Mexico cảnh báo số ca bệnh nặng do Covid-19 tại quốc gia này có thể lên đến 10.500 ca, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 3 và khuyến nghị chính phủ cần trang bị ngay số lượng giường bệnh chăm sóc tích cực cần thiết.

Hiện tại, hệ thống y tế Mexico đảm bảo được 6.425 giường chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Mexico Jorge Alcocer Varela, mạng lưới y tế nước này đang thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với Covid-19.

Nhằm tăng cường công tác chống dịch, Chính phủ Mexico đã mua 10 tấn vật tư và trang thiết bị y tế từ Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết sẽ đề nghị Chính phủ Cuba cử bác sỹ và y tá giúp điều trị các ca bệnh nặng.

Nhật Bản sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda ngày 9/4 nhận định sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ gây ra một "tác động nghiêm trọng" tới nền kinh tế nước này, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu vô cùng mờ mịt.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến với các giám đốc chi nhánh khu vực của BOJ, Thống đốc Kuroda cho hay: "BOJ sẽ đưa ra các biện pháp nới lỏng bổ sung mà không hề do dự nếu cần thiết" trong khi giám sát chặt chẽ những diễn biến của sự lây lan virus SARS-CoV-2.

Cuộc họp nói trên diễn ra trong bối cảnh gia tăng số ca mắc bệnh dịch nguy hiểm này ở những khu vực đô thị lớn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 7/4 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác nhằm cố gắng kiềm chế sự lây lan virus.

Tuần trước, BOJ đã công bố kết quả cuộc khảo sát Tankan theo quý, cho thấy sự tự tin trong kinh doanh của các nhà sản xuất lớn đã giảm xuống mức tiêu cực vào tháng Ba, lần đầu tiên trong 7 năm qua.

Quốc hội Australia thông qua gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ

Tối 8/4, Quốc hội Australia đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Quyết định trên được Quốc hội Australia đưa ra trong phiên họp đặc biệt kéo dài cả ngày 8/4. Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội vừa được quốc hội phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh

Trong gói hỗ trợ mới nhất, Chính phủ Australia sẽ chi trả một khoản trợ cấp tiền lương cố định 1.500 AUD (885 USD)/2 tuần trong vòng 6 tháng cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Khoản trợ cấp này được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh có doanh số hằng năm dưới 1 tỷ AUD (600 triệu USD) song bị giảm 30% doanh thu, cùng với đó là các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ AUD (600 triệu USD) trở lên nhưng bị giảm 50% doanh thu do dịch bệnh. Trường hợp người lao động có mức lương cao hơn khoản trợ cấp trên, phần chênh lệch sẽ do doanh nghiệp chi trả. Người lao động làm việc chưa đến một năm tại các doanh nghiệp và người nước ngoài đang tạm trú tại Australia không được hưởng khoản trợ cấp trên.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết khoản “trợ cấp giữ việc làm cho người lao động” này sẽ được giải ngân vào đầu tháng 5 tới nhưng bắt đầu được áp dụng từ tháng 3 vừa qua. Tính đến ngày 8/4, đã có gần 750.000 doanh nghiệp Australia đăng ký được tiếp cận gói hỗ trợ nói trên.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Các quốc gia tìm biện pháp đối phó dịch Covid-19