Việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của Bộ Xây dựng: Kỳ I: Chậm giải ngân vốn đầu tư làm giảm hiệu quả các dự án

(BKTO)- Dựa trên kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013được Bộ Xây dựng lập dự toán 2.821,7 tỷ đồng, bằng 218,6% số thực hiện năm 2012(1.290,8 tỷ đồng), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định và Bộ Kế hoạch và Đầu tư(KH&ĐT) đã giao vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Bộ Xây dựng là 2.380,3 tỷđồng. Tuy nhiên, kết thúc niên độ tài chính 2013, Bộ Xây dựng chỉ thực hiệngiải ngân được 1.855,3 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch được giao.



Tuân thủ quy định lập dự toán, phân bổ vốn

Trong kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013, Bộ Xây dựng lập kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư là 7 tỷ đồng, chiếm 0,24%; vốn thực hiện dự án là 1.001,3 tỷ đồng, chiếm 35,48%. Dự toán vốn thực hiện dự án được lập như sau: ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải hơn 25 tỷ đồng, ngành khoa học công nghệ và công nghệ thông tin 130,4 tỷ đồng, ngành giáo dục và đào tạo 665,7 tỷ đồng; ngành thể thao 15 tỷ đồng; ngành y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm 20 tỷ đồng; ngành xã hội 15 tỷ đồng; ngành quản lý nhà nước 30 tỷ đồng, ngành giao thông vận tải 100 tỷ đồng. Còn lại đa phần là vốn đầu tư theo mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể chiếm 64,26% kế hoạch, tương đương 1.813,3 tỷ đồng.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, kế hoạch vốn năm 2013 tăng so với số thực hiện năm 2012 do vốn cho các dự án thực hiện theo mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, như Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tại Hòa Lạc… có tổng mức đầu tư lớn và thời điểm đó đang trong giai đoạn triển khai thi công, cần bố trí vốn kịp thời để đẩy nhanh tiến độ.


Việc giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc bị chậm tiến độ.Ảnh:TS
Trên cơ sở dự toán đã lập, Bộ Xây dựng đã được giao vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 là 2.380,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn kéo dài được phép thanh toán trong năm 2013 là 618,2 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2013 là 1.762,1 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, Bộ Xây dựng đã phân bổ vốn đầu tư cho các dự án khớp đúng với các chỉ tiêu được giao; công tác lập, giao, phân bổ vốn đầu tư của Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT cơ bản tuân thủ các quy định.

KTNN cũng khẳng định Bộ Xây dựng không có các dự án thuộc kế hoạch năm 2013 đã được phân bổ vốn nhưng đến ngày 30/6/2013 chưa triển khai thực hiện phải cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng NSTW. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy Bộ KH&ĐT giao vốn cho một số dự án khởi công mới trong năm 2013 không đủ so với nhu cầu đã được đề xuất dẫn đến việc phân bổ vốn của Bộ Xây dựng cho một số dự án khởi công mới chưa đảm bảo mức vốn tối thiểu. Cụ thể, đã có 2 dự án nhóm C có mức vốn được bố trí dưới 35% so với tổng mức đầu tư; 2 dự án nhóm B được bố trí vốn dưới 20%.

Chậm tiến độ giải ngân nhiều dự án

Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được duyệt, năm 2013, Bộ Xây dựng chỉ thực hiện giải ngân được 1.855,3 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch được giao. Nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chủ yếu là do một số dự án đầu tư theo các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đã giải ngân chậm như Dự án Nhà Quốc hội (vốn được giao là 1.956,6 tỷ đồng, thực hiện 1.511,6 tỷ đồng, còn dư 444,9 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc (vốn dư 46,9 tỷ đồng), Dự án cung Triển lãm quy hoạch quốc gia (vốn dư 20,3 tỷ đồng), Dự án Khu biệt thự trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia (vốn dư 5,29 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia (vốn dư 5,68 tỷ đồng)…

Đơn cử như Dự án Nhà Quốc hội, do trong quá trình triển khai Dự án phải điều chỉnh thiết kế, tiến độ thực hiện không phù hợp với tiến độ dự kiến khi lập kế hoạch. Mặt khác, do tính chất và quy mô của dự án, công tác lựa chọn nhà thầu bị kéo dài nên đến cuối năm 2013 mới hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với toàn bộ các gói thầu, khi đó mới giải ngân được vốn. Hay như Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài từ 2009 đến tháng 4/2013 dẫn đến việc giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng bị chậm. Mặt khác, đến ngày 18/10/2013, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc dẫn đến chậm trễ trong việc lập và phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình nên việc giải ngân vốn các dự án thành phần bị kéo dài.

Tuy nhiên, KTNN cho rằng, việc lập, giao, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa phù hợp với khả năng thực hiện của một số dự án cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân không đạt kế hoạch, trong khi vốn đầu tư từ NSNN năm 2013 rất khó khăn đã làm giảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Đánh giá về việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Bộ Xây dựng, KTNN cho biết, trong năm 2013, đã có 3 dự án hoàn thành được thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Trong đó, giá trị quyết toán A-B của 1 dự án là 29,4 tỷ đồng, giá trị được phê duyệt là 28,5 tỷ đồng, giảm hơn 800 triệu đồng; 1 dự án hoàn thành chưa lập quyết toán; 1 dự án hoàn thành chưa được thẩm định, phê duyệt.

Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ hạn chế là việc lập, thẩm tra phê duyệt các dự án của Bộ Xây dựng chưa đảm bảo thời gian theo quy định của Bộ Tài chính đối với việc quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Từ kết quả này, KTNN kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh, chỉ đạo việc lập, giao và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với khả năng thực hiện của các dự án, có phương án điều chỉnh vốn của các dự toán không thực hiện được sang các dự án khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Đồng thời, công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước phải đảm bảo thời gian quy định của Bộ Tài chính.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của Bộ Xây dựng: Kỳ I: Chậm giải ngân vốn đầu tư làm giảm hiệu quả các dự án