Những phát hiện và kinh nghiệm kiểm toán quản lý thuế hộ kinh doanh

(BKTO) - Do đặc thù về sở hữu, quy mô hoạt động kinh doanh, trình độ quản lý và ý thức tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh đã tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, quy định cho phép hộ kinh doanh được nộp thuế theo phương pháp khoán; mức thuế khoán do Cơ quan Thuế xác định đã tạo nhiều rủi ro trong công tác quản lý thuế.




Người nộp thuế làm thủ tục liên quan đến hóa đơn bán lẻ. Ảnh: TTXVN

Kê khai thuế còn bất cập, quản lý thuế thiếu chặt chẽ

Kết quả kiểm toán công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của KTNN khu vực XII tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum - địa bàn đang có khoảng 105.500 hộ kinh doanh (năm 2018) - cho thấy, công tác quản lý thuế đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh còn có không ít hạn chế.

Theo đó, về phía người nộp thuế (hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh), việc kê khai thuế của hộ kinh doanh còn bất cập như: một số tờ khai không kê khai doanh thu, khai chưa đúng, đủ các chỉ tiêu bắt buộc trên tờ khai; hộ kinh doanh không kịp thời khai nộp thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định; không kê khai nộp thuế trong thời gian dài. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh hay chuyển đổi kinh doanh sang lĩnh vực khác nhưng không kê khai với Cơ quan Thuế; không xuất hóa đơn khi bán lẻ hàng cho các đối tượng tiêu dùng hoặc có ghi hoá đơn nhưng ghi thấp hơn so với giá bán thực tế, nhằm chiếm dụng tiền NSNN…

Trong khi đó, quy trình quản lý thuế của Cơ quan Thuế cũng bộc lộ nhiều sai sót, bất cập. Kết quả kiểm toán cho thấy, số lượng hộ kinh doanh đã quản lý thu thuế của Cơ quan Thuế thấp hơn so với số liệu đã được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đơn cử, tại cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2018 tại một tỉnh trên địa bàn đã phát hiện tại thành phố thuộc tỉnh có số hộ kinh doanh phát sinh mới bằng 22,7% số cấp phép kinh doanh; tại một huyện bằng 84,2%, một huyện khác bằng 34,6%... Đồng thời, việc lập bộ lệ phí môn bài chưa phù hợp với quy mô doanh thu ổn định theo quy định, việc khảo sát doanh thu làm căn cứ lập bộ thuế còn mang tính hình thức.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra doanh thu khoán của Cơ quan thuế không tương ứng quy mô, ngành nghề thực tế. Cũng theo kết quả tại cuộc kiểm toán trên cho thấy, có 21 hộ khoán sử dụng hóa đơn quyển có quy mô doanh thu thực tế cao hơn doanh thu Chi cục Thuế khoán từ 2 đến 25 lần (biến động trên 50% doanh thu khoán), ước tính số thuế thất thu 820,3 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, có tình trạng Cơ quan Thuế không lập bộ hoặc lập bộ thiếu các loại thuế; chưa rà soát điều chỉnh doanh thu đối với các trường hợp có thay đổi quy mô, ngành nghề; chưa tổ chức điều tra, khảo sát thực tế đối với các hộ kinh doanh có thu nhập thấp không phải nộp thuế khoán… dẫn đến bỏ sót nguồn thu.

Việc kê khai thuế của hộ kinh doanh còn bất cập nhưng Cơ quan Thuế không có ý kiến; Cơ quan Thuế chưa cập nhật thay đổi thông tin về ngành nghề kinh doanh chính để áp dụng đúng tỷ lệ thuế phải nộp; chưa điều chỉnh tình trạng hoạt động của người nộp thuế; chưa chú trọng đến việc kiểm tra, đôn đốc và xử phạt vi phạm hành chính hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế; không ấn định thuế đối với các trường hợp chậm nộp hoặc không nộp hồ sơ, không kiểm tra xử lý hành vi trốn thuế đối với trường hợp nộp chậm tờ khai thuế quá 90 ngày theo quy định. Công tác xác định hộ kinh doanh có doanh thu chưa đến mức chịu thuế không đủ căn cứ; quản lý thuế xây dựng cơ bản tư nhân còn để thất thu (quản lý thu thuế xây dựng cơ bản tư nhân thấp hơn nhiều so với số lượng đã được cấp phép), áp giá nhân công không đúng giá UBND tỉnh quy định, số giấy phép cấp xây dựng đã được cấp phép nhiều hơn số hộ được lập bộ thuế. Đáng chú ý, tình trạng bỏ sót không lập bộ thuế xảy ra chủ yếu đó là bỏ sót về số hộ đã đăng ký kinh doanh, đang hoạt động và bỏ sót về lĩnh vực ngành nghề có mức thuế suất khác nhau (thường bỏ sót ngành gia công chế biến, dịch vụ có thuế suất cao); bỏ sót Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường của hộ khoán…

Kinh nghiệm phát hiện trong kiểm toán công tác quản lý thuế hộ kinh doanh

Kiểm toán công tác quản lý thuế hộ kinh doanh theo quy trình tại Cơ quan Thuế là nội dung quan trọng trong cuộc kiểm toán NSĐP hằng năm do KTNN các khu vực thực hiện. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán công tác quản lý thuế nói chung, quản lý thuế hộ kinh doanh nói riêng khi kiểm toán tại Cơ quan Thuế các cấp (Cục và Chi cục Thuế), từ thực tiễn công tác kiểm toán của KTNN khu vực XII, có thể đúc rút một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, cần thu thập đầy đủ thông tin khái quát nhất liên quan đến nội dung quản lý thuế hộ kinh doanh ngay từ khâu khảo sát như: công tác lập bộ thuế, điều tra khảo sát hộ, doanh thu; công tác phối hợp quản lý đối tượng trên địa bàn theo quy chế. Trong đó, kiểm toán viên (KTV) cần thu thập được các sổ bộ thuế khoán năm trước liền kề và của năm kiểm toán.

Thứ hai, ngay khi triển khai kiểm toán tại Chi cục Thuế, KTV cần phát hành phiếu đề nghị cung cấp thông tin gửi UBND huyện/thị xã/thành phố có văn bản triển khai đến các đơn vị liên quan như: Tài chính, Thống kê, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Văn hóa, Giáo dục, Y tế, UBND các xã, phường, thị trấn để phối hợp cung cấp các thông tin quản lý theo ngành, lĩnh vực và lãnh thổ nhằm phục vụ kiểm tra, đối chiếu với Cơ quan quản lý thuế trong quản lý đối tượng, quy mô, ngành nghề, tình trạng hoạt động của các hộ kinh doanh.

Thứ ba, tại Chi cục Thuế, KTV cần tiến hành kiểm toán chi tiết đối với nội dung quản lý thuế hộ kinh doanh, tập trung đối chiếu số liệu giữa các bộ phận chức năng của Cơ quan Thuế gồm: số liệu gốc số liệu thực tế, số liệu về hóa đơn lẻ, hóa đơn quyển, số liệu dự toán, điều tra, số liệu giám sát, đối chiếu. Đồng thời, sử dụng các phương pháp kiểm toán như: so sánh, đối chiếu, tính toán lại để thẩm tra các sổ bộ, các biên bản điều chỉnh, các sổ bộ điều chỉnh, bổ sung, xác định doanh số và mức thuế, tỷ lệ thuế khoán (thuế suất), lĩnh vực ngành nghề (5 lĩnh vực tương ứng 5 mức thuế suất), đối chiếu giữa các đội, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường... để tìm ra các mâu thuẫn, bất cập.

Thứ tư, KTV cần đặc biệt lưu ý các phép đối chiếu như: đối chiếu số liệu lập bộ thuế đầu năm, phát sinh mới (tăng/giảm) trong năm về số hộ trong sổ bộ thuế với số liệu quản lý đăng ký kinh doanh của Phòng Tài chính để biết được số hộ chưa được Chi cục Thuế đưa vào lập bộ hoặc chỉnh bộ; đối chiếu với Phòng Tài nguyên và Môi trường để biết các hộ có khai thác, thu gom tài nguyên khoáng sản nhưng chưa được quản lý thu Thuế Tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường; đối chiếu với Phòng Văn hóa thông tin để biết được số cơ sở kinh doanh chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt đang hoạt động so với sổ bộ của Chi cục Thuế; đối chiếu với Phòng Giáo dục để biết các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được lập bộ thuế; đối chiếu với bộ phận bán hóa đơn để biết quy mô doanh thu khoán thấp hơn so với quy mô thực tế thể hiện trên hóa đơn gây thất thu NSNN...

Mặt khác, do số lượng hộ kinh doanh cũng như dữ liệu thể hiện trên các phần mềm quản lý của Cơ quan Thuế rất lớn nên KTV cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng một số phần mềm ứng dụng tin học như: Excel, Acess,.. và một số công cụ phân tích khác để phân tích dữ liệu, nhằm đưa ra các con số phục vụ đắc lực cho kiểm tra, đối chiếu dữ liệu.

ThS. NGUYỄN ĐĂNG THỦY
KTNN khu vực XII
Cùng chuyên mục
Những phát hiện và kinh nghiệm kiểm toán quản lý thuế hộ kinh doanh