Nhìn vào thực trạng sử dụng, quản lý nợ công

(BKTO) - Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và Báo cáo kiểm toán chuyên đề quản lý nợ công năm 2014 của KTNN đều chỉ rõ những mặt tích cực và hạn chế của việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công thời gian qua.




Việc huy động vốn vay chủ yếu được sử dụng cho việc phát triển các dự án hạ tầng Ảnh: TS

Nợ công qua Báo cáocủa Chính phủ, thẩm tracủa Quốc hội…

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Việc tổ chức huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công thời gian qua đã được triển khai trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Công tác quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015 về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Tổng khối lượng huy động vốn vay công khoảng 2.488 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 14% GDP, chiếm 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, bình quân tăng 15%/năm. Các khoản vay của Chính phủ chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước và vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Mặt tích cực trong quản lý nợ công là đã huy động được khối lượng vốn lớn cho cân đối NSNN để bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong nước; việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và luôn đảm bảo đúng hạn; hệ thống thể chế, chính sách quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: nợ công tăng nhanh khiến áp lực trả nợ lớn; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công chưa cao, việc phân bổ sử dụng vốn còn dàn trải; cơ cấu nợ công chưa thực sự bền vững, còn rủi ro tái cấp vốn/thanh khoản tập trung vào các khoản nợ trong nước, rủi ro lãi suất trong danh mục nợ nước ngoài, rủi ro tỷ giá, rủi ro tín dụng; quản lý nợ công còn phân tán…

Đánh giá về tình hình huy động, quản lý, sử dụng nợ công giai đoạn 2011-2015, Ủy ban TCNS của Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS nhận định, tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay còn nổi lên nhiều hạn chế, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Đó là: Nợ công có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ; tốc độ tăng nợ công nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP; các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công. Bên cạnh đó, cơ cấu vay, sử dụng nợ công chưa thực sự hợp lý, nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hàng năm tăng nhanh. Khả năng cân đối nguồn để trả nợ khó khăn, vay đảo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước. Hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao; chưa có sự gắn kết chặt chẽ và chủ động trong các khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và bố trí nguồn vốn để trả nợ đến hạn. Ủy ban TCNS cũng đánh giá, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA còn thiếu định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả chưa cao... Khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới nên Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để nâng cao hiệu quả và bảo đảm an toàn nợ công.

… và qua lăng kính của KTNN

Một số mặt tích cực, hạn chế nêu trên cũng đã được KTNN đề cập trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề quản lý nợ công năm 2014. Báo cáo nêu rõ: Chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công trong năm 2014 đã từng bước được tăng cường; Chính phủ đã điều hành vay và trả nợ theo quy định; Các chỉ tiêu nợ công năm 2014 so với GDP nằm trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép.

Các nghĩa vụ nợ của Chính phủ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn; tỷ trọng nợ trong nước của Chính phủ tăng, nợ trong nước của Chính phủ năm 2013 là 763.730 tỷ đồng, chiếm 50%; năm 2014 là 1.016.652 tỷ đồng, chiếm 55,65%. Chính phủ đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu trong nước nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Việc huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển, trong đó trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN năm 2014 là 13,53%; công tác giám sát, thống kê, tổng hợp nợ công được tăng cường và dần đi vào nề nếp.

Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ rõ: nợ công năm 2014 tuy phù hợp với quy định, nhưng danh mục nợ công có thể bị trùng lắp hoặc chưa đầy đủ khoản nợ công của Chính phủ, công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu thống nhất trước khi tổng hợp báo cáo.

Về quản lý các danh mục nợ công, theo Báo cáo kiểm toán, việc giao kế hoạch vốn ngoài nước chưa phù hợp. Cụ thể: giao thấp hơn nhu cầu giải ngân của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đăng ký là 24.385 tỷ đồng; giao 4.586,8 tỷ đồng cho 254 dự án không đăng ký, trong khi có 359 dự án đăng ký số vốn là 7.018,4 tỷ đồng nhưng lại không được giao. Giao vốn không đảm bảo theo tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn. Có 143 dự án theo kế hoạch kết thúc năm 2011, 2012, 2013 nhưng không giao đủ vốn từ năm trước, đến năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch; 156 dự án có kế hoạch phải kết thúc vào năm 2014 nhưng đến năm 2015 vẫn phải bố trí kế hoạch vốn. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, số giải ngân năm 2014 của các Bộ, cơ quan T.Ư là 13.074 tỷ đồng, vượt 82,8% kế hoạch; của 63 địa phương là 14.658 tỷ đồng, vượt 90,3% kế hoạch. Đây là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch NSNN đã được Quốc hội quyết định.

Qua kiểm toán chọn mẫu 30 dự án/khoản vay cho thấy, có sự ghi thu, ghi chi thiếu 3.046,8 tỷ đồng, bằng 3,14% tổng số ghi thu - ghi chi. Báo cáo kiểm toán cũng cho biết, có 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản. Các DN được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện những biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất; nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản DN. Đến 31/12/2014, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 1.290,6 triệu USD, chiếm 10,06% tổng dư nợ.

Cũng theo Báo cáo kiểm toán, số liệu của Quỹ tích lũy trả nợ không được phản ánh đầy đủ, các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ đến 31/12/2014 không được đánh giá lại; tổng dư nợ đầu kỳ và cuối kỳ các tài khoản tại Bảng cân đối tài khoản lớn hơn tổng dư có 30.180 tỷ đồng; hạch toán thiếu phí bảo lãnh và lãi ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ đến 31/12/2014 chưa thu được 524 tỷ đồng; tiền nhàn rỗi của Quỹ cũng không được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ theo quy định.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015; nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% xuống còn 43%.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Nhìn vào thực trạng sử dụng, quản lý nợ công