Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA của ngành giáo dục - đào tạo

(BKTO) - Năm 2018, qua kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý và sử dụng vốn ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2015-2017, bên cạnh việc kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã chỉ ra và kiến nghị rà soát, chấn chỉnh nhiều hạn chế, sai sót nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA cho các chương trình, dự án của ngành giáo dục.




KTNN kiến nghị các ban quản lý dự án rút kinh nghiệm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục. Ảnh: B.Ngọc
Thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài, giao dự toán chậm

Theo đánh giá của KTNN, công tác thẩm định, phê duyệt danh mục, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án sử dụng vốn ODA của Bộ GD&ĐT cơ bản đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, một số dự án chưa được tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành hoặc chưa rà soát, xây dựng, thiết kế kỹ lưỡng nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng, phải điều chỉnh, thay đổi nội dung, kế hoạch nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện. Một số hoạt động thiếu tương đồng giữa các dự án nên khi triển khai thực hiện phải hủy bỏ, điều chuyển nhiệm vụ. Bên cạnh đó, do việc xây dựng dự án còn nhiều bất cập, chưa sát với tình hình thực hiện, phải thay đổi, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nội dung hoặc kéo dài thời gian thực hiện nên một số dự án phải điều chỉnh hiệp định, báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong công tác xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn ODA, việc giao dự toán còn chậm, chưa phù hợp quy định của Luật NSNN; kế hoạch (tài chính, hoạt động) của Bộ GD&ĐT còn tình trạng phê duyệt chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, trong đó một số lần rơi vào thời điểm tháng 11, 12 của niên độ ngân sách.

Đối với vốn sự nghiệp, kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2015 giao dự toán vốn vay còn chưa phù hợp, mang tính hình thức, giải ngân, quyết toán năm 2015 vượt nhiều so với dự toán được giao. Trong bố trí vốn đối ứng T.Ư, việc giao dự toán hằng năm chậm và điều chỉnh bổ sung nhiều lần vào thời điểm cuối năm, làm giảm tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các ban quản lý dự án và đơn vị trực thuộc. Đối với vốn đối ứng địa phương, một số địa phương bố trí chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chưa đáp ứng tiến độ.

Dư thừa trang thiết bị, khai thác sử dụng kém hiệu quả

Theo đánh giá của KTNN, công tác mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, trang thiết bị của các dự án ODA còn chưa xác định được nhu cầu thực tế của các đơn vị thụ hưởng mà chỉ thực hiện khâu khảo sát nhu cầu theo danh mục đã được duyệt. Tiến độ thực hiện công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng còn chậm; có đơn vị trúng thầu chưa đáp ứng đầy đủ về năng lực tài chính, năng lực cung cấp hàng hóa…

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót trong quản lý, sử dụng tài sản, như việc mua sắm thiết bị trùng lặp, dư thừa, không phù hợp với điều kiện giảng dạy (trong đó có những dự án vì tổ chức thực hiện đấu thầu rất chậm dẫn tới các trang thiết bị mua về đã lạc hậu). Bên cạnh đó, các trang thiết bị còn chưa sử dụng, chưa khai thác, nhất là hệ thống trang thiết bị đào tạo trực tuyến tại các địa phương, mặc dù lắp đặt, chạy thử từ năm 2016 nhưng đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2018) chưa sử dụng theo mục tiêu của dự án (do Bộ GD&ĐT chưa ban hành khung chương trình, sách giáo khoa mới, chưa có chương trình đào tạo).

Việc cung cấp tài sản, trang thiết bị còn tình trạng chưa đảm bảo đúng đối tượng; tần suất sử dụng còn thấp. Cụ thể như đối với gói đồ gỗ của các dự án cung cấp cho các ban quản lý dự án các tỉnh, do công tác khảo sát nhu cầu mang tính hình thức, dẫn đến bị trùng lặp, dư thừa, có trường phải chuyển đổi mục đích sử dụng so với mục tiêu ban đầu. Đối với gói thiết bị cung cấp cho các trường dân tộc nội trú các tỉnh nhằm xây dựng phòng đa phương tiện và phòng bộ môn của Dự án Phát triển giáo dục Trung học phổ thông giai đoạn 2, chưa hình thành được phòng đa phương tiện như mục đích ban đầu của Dự án; một số trang thiết bị sử dụng sai đối tượng; một số thiết bị còn chưa sử dụng, trong đó đặc biệt có máy chiếu vật thể kỹ thuật số không phù hợp với điều kiện giảng dạy.

Theo đánh giá của KTNN, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do khâu khảo sát, đánh giá nhu cầu ngay từ báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như trước khi thực hiện đấu thầu mua sắm còn thiếu thực tế; việc quản lý, chỉ đạo của cơ quan chủ quản; việc kiểm tra, giám sát của các dự án còn chưa chặt chẽ. Đồng thời, do Sở GD&ĐT, các đơn vị thụ hưởng tại các địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, quản lý và sử dụng các tài sản, trang thiết bị của dự án.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, lương cho một số cán bộ lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các ban quản lý dự án được xây dựng theo mức lương chuyên gia trong văn kiện, báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc xây dựng định mức thuê chuyên gia tư vấn trong nước tại một số dự án chưa căn cứ trên các quy định của Nhà nước mà dựa vào quy định của nhà tài trợ hoặc căn cứ vào ý kiến không phản đối của nhà tài trợ; quá trình xây dựng và xác định nhu cầu chuyên gia tư vấn tại một số dự án còn chưa sát thực.

Từ những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 77,4 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, thẩm định, tham mưu để giao dự toán đảm bảo thời gian quy định; phê duyệt kế hoạch tài chính, kế hoạch hoạt động của dự án kịp thời, đảm bảo tiến độ thực hiện và công tác giải ngân. Đồng thời, Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt, ký kết với nhà tài trợ để nâng cao hiệu quả, tính cấp thiết của các chương trình, dự án; tổng hợp nhu cầu, bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đối ứng, đáp ứng yêu cầu, nội dung, tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả nguồn vốn.

         
Theo kết quả kiểm toán, trong công tác đề xuất, lựa chọn chương trình, dự án còn những vướng mắc nhất định. Cụ thể, các Bộ, ngành hữu quan chưa quan tâm việc xây dựng chiến lược, quy hoạch định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành giáo dục - đào tạo để làm tiền đề, căn cứ đề xuất, lựa chọn. Quá trình thương thảo, thống nhất ý kiến với nhà tài trợ thường chậm, kéo dài, phải đáp ứng quy trình của cả hai bên đến khi dự án được phê duyệt, đã ảnh hưởng lớn đến tính thời sự, cấp thiết của nhiệm vụ.
Cùng với đó, Bộ cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi sát thực; rà soát các hoạt động có liên quan giữa các chương trình, dự án để tránh chồng chéo, trùng lặp; rà soát, cắt giảm các hoạt động thực hiện chậm, giải ngân thấp, kém hiệu quả, không khả thi về thời gian thực hiện; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược quy hoạch định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành.

KTNN cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các ban quản lý dự án rút kinh nghiệm trong thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu nhằm tránh tình trạng thiết bị lạc hậu, ít sử dụng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, chấn chỉnh các hạn chế trong quản lý và sử dụng tài sản của các dự án tại các trường, đơn vị thụ hưởng. Đối với các đơn vị cấp chưa đảm bảo đúng đối tượng, tài sản còn chưa sử dụng, nhất là hệ thống đào tạo trực tuyến cần sớm có phương án sử dụng hoặc điều chuyển để đảm bảo thực hiện hiệu quả, theo mục tiêu của các dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các ban quản lý dự án kiểm tra, rà soát, cắt giảm các vị trí, nhân sự, thời gian làm việc của các chuyên gia không cần thiết; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu, thu thập, lưu trữ đầy đủ hồ sơ pháp lý của các chuyên gia tư vấn, nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng vị trí, chi trả lương cán bộ lao động hợp đồng, các chuyên gia trong văn kiện, báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo theo định mức quy định của Nhà nước. KTNN cũng đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá, xem xét lại mô hình quản lý các dự án ODA (đang giao cho ban quản lý các dự án làm nhiệm vụ chủ dự án của 6 dự án ODA) để có điều chỉnh cho phù hợp. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của PMU (đơn vị quản lý dự án) theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính toán vừa đủ số lượng chuyên gia cần thiết thuê hằng năm theo yêu cầu công việc và ưu tiên thuê chuyên gia có kinh nghiệm trong nước để tiết kiệm kinh phí.
         
Về mặt chính sách, KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 06/2011/TT-BGDĐT ngày 11/01/2011 quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài của Bộ GD&ĐT do không còn phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá sau đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, đánh giá được hiệu ứng đem lại của các chương trình, dự án.
KIM AN
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019
Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA của ngành giáo dục - đào tạo