Lấp lỗ hổng chính sách về thuế Tiêu thụ đặc biệt

(BKTO)- Hàng năm, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xửlý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng góp phần tăng thu, giảm chi trực tiếp cho NSNN.Bên cạnh đó, KTNN còn kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách góp phần giántiếp ngăn chặn việc thất thu cho ngânsách. Mới đây, KTNN đã kiến nghị truy thu đối với Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 408 tỷ đồng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)niên độ 2013 nộp NSNN, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửađổi chính sách đối với thuế TTĐB.




Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định mới để khắc phục những bất cập về thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu. Ảnh: T.S
Ngày 13/02/2015, KTNN đã có công văn số 190/KTNN-TH đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, quy định rõ về giá tính thuế đối với cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất để tránh thất thu thuế TTĐB.

Trên cơ sở kiến nghị này của KTNN và xuất phát từ những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 để trình Chính phủ trong quý 3.

Theo bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, điểm căn bản mà Bộ Tài chính đề xuất là sửa đổi, bổ sung cách tính thuế TTĐB đối với các mặt hàng chịu thuế TTĐB. Cụ thể, để tránh những cách hiểu khác nhau đối với những sản phẩm như bia sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra. Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, công ty liên kết thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con hoặc công ty liên kết bán ra thị trường nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại.

Trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Điều này sẽ giúp hạn chế khả năng các DN lập các khâu trung gian nhằm bán giá thấp cho nhau và lấy giá đó tính thuế. Sau khi tính thuế xong thì nâng vọt lên bán cho người tiêu dùng...

Cũng theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định khắc phục bất cập trong thực tế, trong đó có việc một số DN đã thành lập các công ty con, công ty liên kết để... chuyển giá. Tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ: Quy định hiện hành chỉ phù hợp với các cơ sở sản xuất bia, rượu, thuốc lá có các cửa hàng trực tiếp bán lẻ sản phẩm nhưng chưa có quy định về áp giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp người nộp thuế bán hàng qua công ty con của chính họ.

Vì vậy nhiều người nộp thuế, bao gồm cả cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, đều thành lập công ty con, công ty cổ phần (chiếm cổ phần chi phối) để phân phối sản phẩm, chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp NSNN. Bên cạnh đó, do còn nhiều bất cập về thuế TTĐB đối với ô tô, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định mới với đề xuất cách tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ là giá bán ra của nhà nhập khẩu.

Liên quan đến thuế TTĐB đối với ô tô, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi chính sách về thuế TTĐB và thuế Thu nhập DN báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực theo hướng giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với các dòng xe ưu tiên phát triển. Áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu đặt ra là năm 2035 tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Box: Theo Báo cáo kiểm toán năm 2014 của KTNN về niên độ ngân sách 2013 của KTNN, trên cơ sở kiến nghị, 41 văn bản đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung (gồm 3 Nghị định, 12 Thông tư, 9 Quyết định, 15 Công văn, 2 văn bản khác); các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi theo quy định ban hành văn bản pháp luật.

THU HƯỜNG

Cùng chuyên mục
Lấp lỗ hổng chính sách về thuế Tiêu thụ đặc biệt