Kiến nghị Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và 6 công ty TNHH 100% vốn nhà nước khắc phục bất cập trong quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên rừng

(BKTO) - Kê khai tiền thuế và lợi nhuận phải nộp NSNN chưa đầy đủ; xác định thiếu giá trị vốn nhà nước cùng với những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên rừng... là những vấn đề đáng chú ý được KTNN nêu lên trong Thông báo một số kết quả kiểm toán chủ yếu từ cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/8/2016 và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Tổng Công ty) và 6 công ty TNHH 100% vốn nhà nước (kiểm toán từ ngày 16/10/2017 đến 30/11/2017).



KTNN kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá -Ảnh: TS

Đề nghị điều chỉnh tăng giá trị vốn nhà nước 543 tỷ đồng

Theo Thông báo kết quả kiểm toán, giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/8/2016, Tổng Công ty tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính là tổ chức sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh công tác cổ phần hóa (CPH), xử lý các vấn đề tài chính trước khi bàn giao chính thức sang công ty cổ phần theo quy định của Nhà nước; thực hiện rà soát, sắp xếp lại đất đai đang được giao quản lý và sử dụng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổng Công ty đã có nhiều cố gắng hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao; tổ chức quản lý, sử dụng vốn nhà nước đúng quy định, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; thực hiện CPH theo đúng tiến độ.

Tuy nhiên, qua kiểm toán KTNN đã kiến nghị nộp NSNN tiền thuế và các khoản phải nộp tăng thêm 174,4 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn), trong đó: Các khoản thuế 2,3 tỷ đồng; các khoản thu khác 133,4 tỷ đồng; lợi nhuận còn lại 38,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN cũng kiến nghị nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp giá trị vốn nhà nước tăng lên so với Biên bản Thẩm định báo cáo quyết toán tài chính giai đoạn 01/01/2015-31/8/2016 và xác định giá trị phần vốn nhà nước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần số tiền 16,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với việc xác định giá trị thực tế vốn nhà nước, kết quả kiểm toán giá trị thực tế vốn nhà nước của Công ty mẹ tại thời điểm 31/8/2016 là 4.000 tỷ đồng, tăng so với thời điểm định giá 543 tỷ đồng, tăng so với Biên bản Thẩm định báo cáo quyết toán tài chính giai đoạn 01/01/2015-31/8/2016 và xác định giá trị phần vốn nhà nước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ là 16,5 tỷ đồng, giảm so với hồ sơ quyết toán vốn ngày 19/7/2017 là 32,6 tỷ đồng (nguyên nhân chủ yếu là từ khoản chênh lệch tăng do định giá lại khoản đầu tư tài chính vào Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam đơn vị xác định nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Đoàn kiểm toán xác định doanh thu tài chính theo quy định tại Khoản a, Điều 10 Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính, dẫn đến tăng nộp NSNN và giảm số nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp).

Kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng

Kết quả kiểm toán cũng nêu lên nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của Tổng Công ty và các đơn vị được kiểm toán. Theo đó, số liệu đất lâm nghiệp của các đơn vị trước đây chỉ được giao theo quyết định hành chính, không đo đạc ngoài hiện trường, không có mốc giới cụ thể. Chi phí thực hiện đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, mốc giới sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lớn. Tại một số đơn vị lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty đến nay không được các địa phương bố trí nguồn kinh phí cho rà soát, quy hoạch sử dụng đất nên đến nay vẫn chưa xong thủ tục để thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, mặc dù các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại để giải quyết nhưng tình trạng lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng vẫn xảy ra và việc xử lý các hộ dân vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo, tổng diện tích đất bị lấn chiếm, tranh chấp của toàn Tổng Công ty là hơn 6.574 ha. Trong đó, một số đơn vị có tình trạng bị lấn chiếm đất lớn như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc 1.263ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai 1.660ha; Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên 1.034ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập 1.070ha.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được ký kết giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai và hộ gia đình thực hiện theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ quy định về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp trong DNNN với thời hạn 50 năm, quá thời hạn được UBND tỉnh Đồng Nai cho Công ty thuê tại Quyết định số 4377/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai (Quyết định số 4377) nhưng đến nay Công ty chưa xây dựng phương án xử lý.

         
Theo Báo cáo tài chính do Tổng Công ty cung cấp: 13/20 công ty con; 18/29 công ty liên doanh, liên kết kinh doanh có lãi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/8/2016 là 699,3 tỷ đồng; thực hiện quản lý tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; phân phối kết quả kinh doanh cơ bản theo quy định; không có hàng tồn kho ứ đọng, chậm luân chuyển…
   
   Công ty mẹ và 2/6 công ty TNHH MTV bảo toàn vốn; 6/6 công ty TNHH MTV đảm bảo khả năng thanh toán tổng quát và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đảm bảo theo quy định.
Trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, kết quả kiểm toán cho thấy, đối với toàn bộ diện tích đất được giao quản lý sử dụng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai chưa hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc nên chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, vì vậy Sở Tài chính Đồng Nai chưa ban hành quyết định đơn giá thuê đất; Cục Thuế tỉnh Đồng Nai mới thu tiền sử dụng đất phi nông nghiệp của Công ty với diện tích 6.381m2, chưa phù hợp với Quyết định số 4377.

Một số đơn vị đã hết thời kỳ ổn định 5 năm nhưng các cơ quan chức năng chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình).

Từ những tồn tại trên, KTNN kiến nghị Tổng Công ty và các công ty con làm việc với các cơ quan chức năng để thực hiện đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc giới, lập hồ sơ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định hiện hành; xử lý giải quyết dứt điểm tình trạng đất đai bị lấn chiếm, rừng bị chặt phá. Tổng công ty chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc và Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai, làm việc với các cơ quan chức năng để xác định đơn giá thuê đất cho thời kỳ ổn định mới, diện tích đất chưa được xác định đơn giá thuê đất và nộp đầy đủ tiền thuê đất vào NSNN; yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà - Đồng Nai có phương án xử lý đối với việc thời gian quy định tại hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng giữa Công ty với hộ gia đình vượt thời gian thuê đất được phê duyệt.

NGUYỄN KIM
Theo Báo Kiểm toán số ra ngày 31/5/2018
Cùng chuyên mục
Kiến nghị Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và 6 công ty TNHH 100% vốn nhà nước khắc phục bất cập trong quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên rừng