Kiểm toán về việc lập, giao dự toán và quản lý chi NSNN những năm qua: Kỳ V - Chi thường xuyên còn nhiều bất cập

(BKTO) - Qua kết quả kiểm toán quyết toán NSNN chi thường xuyên các năm vừa qua, KTNN đã chỉ rõ tình trạng dự toán chi thường xuyên của nhiều Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương không chuẩn xác, chưa tuân thủ đúng quy định; thực hiện quyết toán nhiều khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Trên cơ sở đó, KTNN đã đưa ra các kiến nghị xử lý.



Quyết toán chi thường xuyên “vênh” với dự toán

Từ kết quả kiểm toán quyết toán NSNN trong các năm 2012-2015, KTNN đã đánh giá công tác lập và giao dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương chưa có nhiều chuyển biến. Hầu hết những tồn tại, hạn chế do KTNN phát hiện và kiến nghị từ những năm trước chưa khắc phục được nhiều, như lập dự toán một số nhiệm vụ chi không sát thực tế, dự toán cao so với khả năng đáp ứng của NSNN, cao hơn so với số dự kiến Bộ Tài chính giao. Cùng với đó là tình trạng lập dự toán thiếu phần chi từ nguồn phí, lệ phí được để lại; giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chậm, điều chỉnh nhiều lần, không giao hết dự toán ngay lần đầu, giao dự toán khi chưa xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chi, giao không đúng quy định…

Đáng chú ý, năm 2015, một số địa phương còn xác định thiếu phần tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; bố trí chưa đảm bảo tối thiểu 10% tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức T.Ư giao; bố trí không đủ dự toán để trả các khoản nợ vay đến hạn...

Qua kiểm toán, KTNN xác định số quyết toán chi thường xuyên của các năm gần đây luôn cao hơn so với dự toán. Năm 2012, dự toán chi thường xuyên được Quốc hội giao (bao gồm cả nhiệm vụ thực hiện cải cách tiền lương) là 601.300 tỷ đồng, quyết toán 603.372 tỷ đồng, vượt 0,3% (2.072 tỷ đồng) so với dự toán. Năm 2013, dự toán là 674.500 tỷ đồng, nhưng thực hiện 704.165 tỷ đồng, vượt 4,4% (29.665 tỷ đồng) dự toán, chiếm 64,7% tổng chi NSNN. Năm 2014, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704.400 tỷ đồng, quyết toán 723.292 tỷ đồng (chiếm 65,5% tổng chi NSNN), tăng 2,7% (18.892 tỷ đồng) dự toán. Năm 2015, dự toán 777.000 tỷ đồng, quyết toán 788.500 tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng chi NSNN), tăng 1,5% (11.500 tỷ đồng) dự toán.

Nhiều khoản chi thực hiện không đúng quy định

Kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy, nhiều địa phương hụt thu nhưng không triệt để rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN; còn bổ sung ngoài dự toán một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; chưa quán triệt, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản; sử dụng ngân sách không đúng mục đích, kém hiệu quả.

Đơn cử như năm 2012, KTNN chỉ ra có 31/34 tỉnh, thành được kiểm toán vượt dự toán chi thường xuyên; 17 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 79 tỷ đồng; một số địa phương sử dụng 569 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng… để bổ sung chi thường xuyên sai quy định. Một số Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.570 tỷ đồng, trong đó một số địa phương sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu của T.Ư và của địa phương để bù hụt thu ngân sách. Bên cạnh đó, 18 địa phương sử dụng dự phòng cho một số nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách 170 tỷ đồng.

Năm 2013, tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn phổ biến tại hầu hết các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương. 9/35 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi gần 144 tỷ đồng; 14 địa phương sử dụng dự phòng cho một số nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách 152 tỷ đồng; 28 địa phương chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 318 tỷ đồng; 18 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi một số nhiệm vụ không đúng quy định gần 690 tỷ đồng…

Trong các năm 2012, 2013, KTNN phát hiện một số địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách, dẫn đến một số nhiệm vụ chi chưa thực hiện theo quy định được phép chuyển nguồn nhưng không có nguồn đảm bảo để chuyển nguồn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương trong các năm tiếp theo.

Năm 2014, có 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách 613 tỷ đồng; 16/50 địa phương chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 932 tỷ đồng. Năm 2015, có 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỷ đồng; 34/46 địa phương chưa trích lập đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 1.398 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các năm 2014, 2015, có tình trạng một số địa phương báo cáo chưa đầy đủ hoặc sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang, dẫn đến Bộ Tài chính cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương năm 2014 là 242 tỷ đồng, năm 2015 là 185 tỷ đồng. Cùng với đó là tình trạng một số địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định (năm 2014 là 215 tỷ đồng, năm 2015 là 617 tỷ đồng).

KTNN đánh giá, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức xảy ra phổ biến tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Vì thế, năm 2012, KTNN đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN tại 34/34 địa phương được kiểm toán 648 tỷ đồng. Năm 2013, KTNN kiến nghị phải bố trí hoàn trả nguồn đối với 27/35 địa phương được kiểm toán 1.294 tỷ đồng. Năm 2014, KTNN kiến nghị 21/50 địa phương được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng, trong đó có một số địa phương phải bố trí nguồn hoàn trả lớn... Năm 2015, một số Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN gần 117 tỷ đồng. (Còn tiếp)

PHÚC KHANG
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017
Cùng chuyên mục
Kiểm toán về việc lập, giao dự toán và quản lý chi NSNN những năm qua: Kỳ V - Chi thường xuyên còn nhiều bất cập