Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ VIII Các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học

(BKTO) - Thông qua kết quả kiểm toán chuyên đề tự chủ giáo dục đại học công lập (GDĐH), ngoài những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo Chính phủ sửa đổi 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị Bộ GD&ĐT chủ trì/phối hợp với các Bộ ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, 2 thông tư hướng dẫn nhằm thực thực hiện thống nhất, toàn diện các mục tiêu của cơ chế tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.




Qua kiểm toán, nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đã được KTNN đưa ra. Ảnh tư liệu

Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ

Qua kiểm toán, nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đã được KTNN đưa ra, đặc biệt là các kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật có liên quan.

Thứ nhất, KTNN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, toàn diện về cơ chế tự chủ theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện tự chủ đảm bảo tính đồng bộ nhằm phát huy tối đa nguồn lực hiện có và tiềm năng của các trường đại học phù hợp với các chủ trương, định hướng và mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT, làm cơ sở cho việc xây dựng mức thu học phí, bao gồm cả mức thu học phí hệ đào tạo chuẩn, hệ chất lượng cao, chương trình tiên tiến đảm bảo mức thu được xây dựng phù hợp với mức tăng trưởng thu nhập bình quân của xã hội, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV về việc hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập GD&ĐT, nhất là các đơn vị tự đảm bảo một phần hoạt động thường xuyên, theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong công tác tổ chức bộ máy theo quy định tại Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 và Điều lệ tổ chức các trường đại học.

Thứ tư, cần rà soát, phân nhóm các trường đại học công lập theo vùng miền, chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chính sách hỗ trợ từ NSNN; xác định lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ phù hợp định hướng và quy hoạch phát triển vùng, có chính sách về cân bằng nghề nghiệp xã hội… nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các trường đại học ở địa phương, các trường đào tạo ngành đặc thù, ngành khoa học cơ bản... từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Thứ năm, Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các khoản thu và các nội dung chi. Văn bản này cần quy định rõ ràng về danh mục các khoản được thu hoặc không được thu nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người học và thực hiện đúng quy định của pháp luật tránh rủi ro cho các trường đại học. Đồng thời, quy định rõ khung tỷ lệ các nội dung chi từ nguồn thu học phí nhằm đảm bảo lộ trình tăng học phí phải gắn với trách nhiệm tăng chất lượng giáo dục và trách nhiệm đối với xã hội.

Thứ sáu, đề nghị các cấp có thẩm quyền cùng phối hợp xây dựng hướng dẫn cụ thể về mô hình tổ chức các đơn vị trực thuộc trường đại học; quy định về trách nhiệm người đứng đầu; quy định về cơ chế tài chính (cơ chế liên liên kết; nguồn vốn chủ sở hữu) nhằm xây dựng môi trường pháp lý đầy đủ và phù hợp cho các trường trong việc quản lý, điều hành các đơn vị trực thuộc.

Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung và xây dựng lại định mức giờ chuẩn, hệ số quy đổi ra giờ chuẩn phù hợp với đặc thù ngành giáo dục, qua đó khắc phục một số điểm chưa phù hợp về định mức giờ giảng dạy quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên so với thực tiễn thực hiện.

Một số giải pháp trọng tâm

Bên cạnh một số kiến nghị về chính sách cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm góp phần nâng hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

Một là, nâng cao trách nhiệm giải trình gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GDĐH về tính công khai, minh bạch trong các khoản mục thu chi tại đơn vị; rà soát, xác định mức độ tự chủ của các trường để làm căn cứ NSNN hỗ trợ kinh phí cho các trường theo hướng giảm chi thường xuyên.

Hai là, tổ chức rà soát các chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo tương xứng với các chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng đào tạo và phù hợp khả năng chi trả của người học. Đồng thời, chấn chỉnh và kiên quyết chấm dứt tình trạng tuyển sinh vượt năng lực đào tạo; các chương trình đào tạo, các chương trình liên kết mở mới chưa đủ điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất; mở ngành đào tạo phải phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội.

Ba là, tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các trường đại học. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa như hoạt động liên doanh, liên kết, hỗ trợ vay vốn để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Hơn nữa, các đơn vị chủ quản, các trường đại học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN đối với các vướng mắc trong việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị cấp dưới, giao dự toán, quản lý các khoản thu, nhiệm vụ chi, quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý và sử dụng các quỹ cơ quan, quỹ học bổng khuyến khích học tập…

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu qủa của việc thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thống nhất nhận thức trong các cấp quản lý và người lao động trong các trường đại học về những nội dung tự chủ, những đổi mới của chính sách tự chủ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của chính sách tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Có thể nói, việc thực hiện cơ chế tự chủ GDĐH vẫn còn là một con đường dài cần sự chung tay xây dựng và thực hiện của cả bộ máy nhà nước dưới sự định hướng đúng đắn của Đảng. Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH cần phát huy tính sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong thực hiện chính sách tự chủ, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời, nâng cao hiệu quả trong quản lý GDĐH, góp phần thực hiện toàn diện các mục tiêu mang tính chiến lược của chính sách tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
         
Vừa qua, thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Dự thảo Nghị định quy định về việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Về cơ bản, Dự thảo Nghị định đã thống nhất chung các quy định đối với tất cả các trường đại học, ban hành các quy định mới về định mức kinh tế - kỹ thuật, danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN, đổi mới về cơ chế tiền lương theo hướng nâng mức chi trả cho người lao động… nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các trường đại học công lập nói riêng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để khắc phục những vướng mắc, hạn chế về cơ chế tự chủ một cách triệt để, trọn vẹn.
Ông ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán Nhà nước:  Vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ hiện nay
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đảng bộ KTNN đã thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng lớn mạnh. Ban cán sự, Ban Thường vụ đã ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề, đồng bộ hệ thống quy chế, quy trình công tác cán bộ; đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
  • Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có nhiều sáng kiến và hành động cụ thể để thực hiện Tuyên bố Hà Nội
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 27/7, Cuộc họp trực tuyến Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chủ trì của KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về những kết quả nổi bật đạt được tại Cuộc họp và các sáng kiến, hành động cụ thể của KTNN Việt Nam để thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Báo Kiểm toán xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.
  • ASOSAI chủ động, tích cực hỗ trợ các SAI ứng phó với đại dịch Covid-19
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại Cuộc họp Ban điều hành (BĐH) của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55, các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ những sáng kiến, cách thức và phương pháp mới góp phần tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các SAI trong những tình huống khẩn cấp cũng như ứng phó với những vấn đề mới nổi, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ của ASOSAI cho các thành viên.
  • Ban điều hành ASOSAI: Hoạt động hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Báo cáo tại Cuộc họp Ban điều hành (BĐH) Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 về hoạt động của BĐH ASOSAI kể từ Cuộc họp BĐH lần thứ 54, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới và châu Á đang đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động của Ban điều hành vẫn diễn ra hiệu quả, theo đúng kế hoạch, nỗ lực đóng góp vì sự phát triển của ASOSAI trong thời gian qua.
  • Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 thành công tốt đẹp
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau hơn 3 giờ làm việc, Cuộc họp Ban điều hành Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 đã kết thúc tốt đẹp, với nhiều nội dung được bàn thảo và quyết định.
Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ VIII Các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học