Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ III - Tự chủ bệnh viện và những kết quả bước đầu quan trọng

(BKTO) - Trong những năm qua, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập từng bước được thực hiện, đổi mới theo các nghị định của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Đến nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân.




Việc áp dụng cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập thời gian qua đã từng bước nâng cao chất lượng của nền y tế công tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Khẳng định tính đúng đắncủa chủ trương tự chủ

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã giúp các bệnh viện công lập phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc quyết định biện pháp, giải pháp để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao; chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động KCB; tổ chức sắp xếp bộ máy, nhân sự bệnh viện…, từ đó mang lại những kết quả điều trị tích cực cho người bệnh, giảm bớt áp lực tài chính từ NSNN cho các bệnh viện. Trải qua gần 20 năm thực hiện, cơ chế tự chủ dần khẳng định những kết quả quan trọng mang lại cho xã hội. Đặc biệt, trong Báo cáo kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Y tế và tại 38 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư do KTNN thực hiện cũng đã chỉ rõ những kết quả này.

Thứ nhất, hiện nay, 100% các cơ sở y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định. Số lượng đơn vị tự bảo đảm hoặc đảm bảo một phần chi thường xuyên ngày càng tăng, qua đó giúp giảm gánh nặng cho NSNN.

Thứ hai, các đơn vị đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật, đa số các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được khoảng 75%, các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai được khoảng 90% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế; các bệnh viện T.Ư và tại một số thành phố lớn đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, giúp hạn chế việc ra nước ngoài điều trị bệnh của người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị ưu tiên sử dụng NSNN, nguồn thu, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các phòng khám, giường bệnh, hạn chế tình trạng nằm ghép giường cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Các thủ tục hành chính cũng từng bước được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KCB của người dân như: giảm quy trình khám bệnh từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; giảm thủ tục trong thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế từ 6 chữ ký xuống còn 3 - 4 chữ ký; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký KCB, thanh toán viện phí qua thẻ…

Thứ ba, các đơn vị đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng lại Điều lệ tổ chức, hoạt động cho đơn vị mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ có khả năng triển khai và phù hợp với năng lực của đơn vị; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, đến nay đã có 266/315 đơn vị được sáp nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại 53/63 tỉnh, thành phố, qua đó giảm bớt được 2.140 biên chế hành chính; áp dụng mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng tại 44/63 tỉnh, thành phố (475 huyện) đã giảm 10.899 biên chế hành chính.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên được tự quyết định số lượng người làm việc đã tạo điều kiện cho đơn vị tuyển dụng được nhân lực có chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều đơn vị đã thực hiện ký hợp đồng thuê khoán đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên hoặc ký hợp đồng và các hình thức hợp tác khác với các chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ KCB hoặc giảng dạy, phát triển chuyên môn, qua đó đã giảm bớt 35.000 biên chế không phải chi lương từ NSNN, tiết kiệm khoảng 2.520 tỷ đồng/năm.

Góp phần giảm gánh nặngcho ngân sách, người bệnhhưởng lợi

Một trong những điểm nhấn trong thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện thời gian qua, đó là công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã và đang được các bệnh viện triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả, từng bước phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị.

Thông qua việc tự chủ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát triển các hoạt động sự nghiệp; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Nhiều đơn vị đã vay vốn của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế với mức lãi suất ưu đãi số vốn đã giải ngân trên 5.000 tỷ đồng; đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc hình thức hợp tác kinh doanh (BCC), hợp tác với các nhà đầu tư quản lý, triển khai hoạt động kiểm tra sức khỏe theo mô hình tiên tiến chuẩn quốc tế; tăng cường thực hiện liên doanh, liên kết trong đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế.

Đồng thời, để đảm bảo kinh phí hoạt động, nhiều đơn vị đã rà soát hệ thống quản lý, chấn chỉnh việc tổ chức thu, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nhằm tạo thêm nguồn thu; xây dựng quy trình để thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với các quy định của Nhà nước để tránh thất thoát, lạm thu; việc tổ chức đấu thầu trông giữ xe, nhà ăn cũng đã góp phần làm tăng và minh bạch hóa nguồn thu… Do được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng NSNN và các nguồn thu nên các đơn vị đã chủ động sử dụng các nguồn tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao; hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn NSNN và các nguồn thu sự nghiệp; có chênh lệch thu chi để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, trích lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư...

Có thể nói, việc áp dụng cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập thời gian qua đã từng bước làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng của nền y tế công tại Việt Nam, từ thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ đến chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB. Từ những thay đổi này, người dân cũng dần được tiếp cận và thụ hưởng những dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao hiện nay.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên qua kiểm toán, KTNN cũng phát hiện và chỉ ra những bất cập, hạn chế cần được khắc phục và hoàn thiện nhằm đảm bảo việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
         
Tính đến tháng 12/2019, cả nước đã có 240 đơn vị sự nghiệp y tế tự đảm bảo chi thường xuyên, tăng 212 đơn vị so với năm 2013; 1.364 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên cũng có mức tự chủ rất cao từ 80 - 90% tổng chi thường xuyên; số đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên năm 2018 là 575 đơn vị, giảm 97 đơn vị so với năm 2013. Qua đó, tiết kiệm chi NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng, cụ thể: theo kết quả thống kê tại 51/63 tỉnh, thành phố cho thấy, ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện năm 2016 đã giảm được 448,3 tỷ đồng so với năm 2015; năm 2017 giảm được 5.246,4 tỷ đồng so với năm 2016, năm 2018 giảm tiếp được 3.194,6 tỷ đồng so với năm 2017.

ThS. LÊ THỊ HỒNG HẠNH
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Cùng chuyên mục
Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập: Kỳ III - Tự chủ bệnh viện và những kết quả bước đầu quan trọng