Kiểm toán các dự án PPP trong lĩnh vực y tế: Kỳ II - Cần hoàn thiện chính sách, xử lý những vấn đề bất cập

(BKTO) - Qua kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, KTNN đã góp phần làm rõ thực trạng quản lý nhà nước hiện nay đối với các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, đồng thời chỉ ra những bất cập do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện; bất cập về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu phụ, kiểm định chất lượng dịch vụ y tế…




KTNN đã góp phần làm rõ thực trạng quản lý nhà nước hiện nay đối với các dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Ảnh: TTXVN

Thiếu hệ thống cơ chế,chính sách toàn diện

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, KTNN chuyên ngành III cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, hiện có 5 mô hình PPP trong lĩnh vực y tế phổ biến với mức độ phức tạp trong vận hành và quản lý giảm dần như sau: mô hình tích hợp; mô hình PPP cơ sở vật chất y tế; mô hình dịch vụ lâm sàng chuyên khoa; hợp đồng quản lý; dịch vụ quản lý thiết bị.

Trong đó, mô hình tích hợp là khu vực tư nhân cung cấp tất cả tài sản và dịch vụ bao gồm thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ y tế, thời hạn thường từ 10 - 30 năm. Mô hình này phát huy tối đa năng lực đổi mới và hiệu quả của khu vực tư nhân, chính phủ chỉ tập trung vào quản lý chất lượng. Nếu được tích hợp tốt, mô hình có thể mang lại lợi ích cho nhà nước ở phạm vi rộng. Tuy nhiên, quy trình thực hiện tương đối phức tạp. Do đó, nhà nước cần kỹ năng quản lý hợp đồng hiệu quả và các đối tác tư nhân cần sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính cao.

Với mô hình PPP cơ sở vật chất y tế, khu vực tư nhân cung cấp chi tiết, quản lý hoặc phối hợp quản lý cơ sở vật chất, môi trường vận hành. Chính phủ giữ quyền kiểm soát đối với các dịch vụ lâm sàng. Mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc tăng cường cơ sở vật chất trong các bệnh viện công. Tuy nhiên, chính phủ mất đi sự linh hoạt trong việc thực hiện các thay đổi tại cơ sở y tế do ràng buộc dài hạn của hợp đồng hợp tác (thường từ 10 - 30 năm). Bên cạnh đó, tác động về hiệu quả chi phí và chất lượng cung cấp dịch vụ lâm sàng được cho là không đáng kể.

Còn với mô hình dịch vụ lâm sàng chuyên khoa/dịch vụ chuẩn đoán, nhà nước xác định các dịch vụ chuyên khoa hoặc dịch vụ lâm sàng được cung cấp bởi nhà đầu tư tư nhân. Hợp đồng thường bao gồm một dịch vụ duy nhất, dễ dàng trong khâu quản lý và giám sát, tăng cường tính minh bạch và giảm các chi phí phi chính thức cho người bệnh. Tuy nhiên, do tính chất đơn lẻ và quy mô nhỏ nên khó tích hợp vào hệ thống y tế ở phạm vi rộng hơn.

Về mô hình hợp đồng quản lý vận hành bệnh viện/cơ sở y tế theo hợp đồng thanh toán phí, mô hình này giúp tiếp cận các ưu điểm về phương thức quản lý và vận hành của nhà đầu tư tư nhân, tuy nhiên, đối tác tư nhân bị hạn chế bởi phương diện vận hành khi nhà nước kiểm soát về nhân sự và tài chính, nhà đầu tư không có nhiều động lực để giảm chi phí hợp đồng.

Còn mô hình dịch vụ quản lý thiết bị bao gồm việc mua sắm, lắp đặt, vận hành, bảo trì, thay thế linh kiện hoặc thiết bị y tế. Hình thức này tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm đảm bảo thiết bị hoạt động, không kiểm soát được hiệu quả kinh tế do phụ thuộc vào sự giới thiệu/chỉ định của chuyên gia y tế đối với bệnh nhân.

Qua thực tế kiểm toán các dự án PPP trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam thời gian qua, KTNN chuyên ngành III chỉ ra rằng, Việt Nam hiện vẫn thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện về PPP trong lĩnh vực y tế. Đến nay, chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết về PPP trong lĩnh vực y tế từ loại hình đầu tư theo thông lệ quốc tế có tính đến điều kiện của Việt Nam, đơn vị chuẩn bị dự án đầu tư đối với từng hình thức đối tác công - tư và quy mô dự án, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quản lý dự án của ngành y tế, hợp đồng dự án có tính đến đặc thù của lĩnh vực y tế, làm căn cứ thực hiện. Việc xác định vốn góp của Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể để xác định phần giá trị đóng góp của Nhà nước như: giá trị thương hiệu, đất đai, bản quyền sở hữu trí tuệ, đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao…

Chỉ rõ những vấn đề cầnquan tâm, xử lý

Trên thực tế, khá nhiều dự án PPP y tế được xây dựng và phê duyệt theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), chiếm 5/15 dự án đã có báo cáo tiền khả thi hoặc lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án và nhiều dự án xác định giá đất theo phương pháp thặng dư không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, làm thất thoát lớn tài sản, NSNN. Quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến giá dịch vụ, bảo hiểm y tế, thuốc. Trong khi nhà đầu tư luôn muốn tối ưu hoá nguồn thu, Nhà nước luôn đặt quyền lợi và lợi ích của người dân lên hàng đầu, đặc biệt là đối tượng những người có thu nhập trung bình và thấp.

Ở một khía cạnh khác, nếu giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện PPP tuân theo khung giá dịch vụ theo quy định hiện hành đối với các bệnh viện công lập sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu hồi chi phí đầu tư và sinh lời. Do đó, bài toán đặt ra là cần hài hòa lợi ích thương mại của nhà đầu tư và mục tiêu của Nhà nước. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc và vật tư y tế đối với các dự án PPP còn bất cập, chưa đồng bộ cũng là rào cản trong việc khuyến khích nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia PPP trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Thị Hồng Hạnh, một vấn đề quan trọng nữa mà KTNN phát hiện là nhiều dự án PPP lĩnh vực y tế còn thiếu mục tiêu và chiến lược rõ ràng cho phát triển hạ tầng và dịch vụ y tế. Hiện nay, hình thức liên doanh liên kết đã khá quen thuộc trong cách thức tổ chức và thực hiện, đồng thời có khung pháp lý hoàn thiện và tương đối phù hợp với điều kiện thực tế. Hơn nữa, chính sách tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập tạo nhiều động lực để các đơn vị thực hiện xã hội hoá nhắm tới bộ phận bệnh nhân có thu nhập cao, bù đắp khả năng cung ứng chưa đầy đủ của hệ thống y tế công. Tuy nhiên, ngay các văn bản chính sách hướng dẫn hoạt động liên doanh liên kết cũng chưa đầy đủ, dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như các phát hiện kiểm toán đã chỉ ra.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, có 4/6 dự án đã tiến đến bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định thầu, chỉ có 2 dự án thực hiện đấu thầu cạnh tranh. Việc chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Việc giao cho nhà đầu tư thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát tiềm ẩn rủi ro ở tất cả các khâu, gây thất thoát tài sản, NSNN. Ngoài ra, việc các dự án không được kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước dẫn đến khả năng sai sót trong việc thực hiện hợp đồng, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án. Chúng ta cũng chưa có hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng độc lập để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế. Chỉ khi chất lượng dịch vụ được chứng thực mới đảm bảo mục đích nâng cao giá trị lợi ích mà đối tượng hưởng lợi trực tiếp chính là người dân. (Kỳ sau đăng tiếp)

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Kiểm toán các dự án PPP trong lĩnh vực y tế: Kỳ II - Cần hoàn thiện chính sách, xử lý những vấn đề bất cập