Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực tài chính - ngân hàng

(BKTO) - Cùng với những kết quả đạt được trong công tác kiểm toán lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII - đơn vị được giao kiểm toán lĩnh vực này - cũng nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức, đúc rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.




Hoạt động của kiểm toán viên nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thách thức trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán

Tham luận tại Hội nghị Triển khai chương trình công tác năm 2021 của KTNN, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường cho biết, năm 2020, KTNN chuyên ngành VII đạt được những kết quả tích cực trong kiểm toán lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của đơn vị còn một số hạn chế và gặp không ít khó khăn, thách thức.

Theo đó, chất lượng lập và biên tập các tài liệu, hồ sơ kiểm toán, đặc biệt là một số báo cáo kiểm toán còn hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán, chưa rút ngắn được nhiều thời gian. Việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả (tức là áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động) trong kiểm toán chưa sâu, chưa có nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT và kiểm toán CNTT trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mặc dù đã đạt được kết quả ban đầu tích cực nhưng còn cách xa so với yêu cầu và còn nhiều thách thức. “Việc phát triển ứng dụng CNTT, kiểm toán CNTT, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số, số hóa đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trong các đơn vị, đối tượng được kiểm toán thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một thách thức rất lớn đối với KTNN chuyên ngành VII” - Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường nhìn nhận.

Làm rõ hơn những thách thức này, lãnh đạo KTNN chuyên ngành VII nêu rõ, việc tiếp cận, khai thác dữ liệu điện tử/dữ liệu số của các đơn vị được kiểm toán một cách đầy đủ theo quy định của Luật KTNN còn khó khăn do nhận thức, sự hợp tác từ các đơn vị được kiểm toán hạn chế. Mặt khác, năng lực, trình độ CNTT của một bộ phận kiểm toán viên vẫn còn hạn chế, ngại ứng dụng CNTT, chưa theo kịp được với những đòi hỏi mới về ứng dụng CNTT, qua đó phần nào cũng hạn chế tiến trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Hiện nay, KTNN chuyên ngành VII đã có Phòng Kiểm toán CNTT, mặc dù được lãnh đạo KTNN rất quan tâm nhưng nhân sự của Phòng còn mỏng và năng lực còn hạn chế, đặc biệt là thiếu những kiểm toán viên vừa có kiến thức, kinh nghiệm CNTT vừa có kinh nghiệm kiểm toán, dẫn đến những kết quả thực hiện nhiệm vụ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực kiểm toán được giao của KTNN chuyên ngành VII là lĩnh vực kiểm toán riêng, đặc thù với nhiều loại hình đơn vị, lĩnh vực, như: ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, DN bảo hiểm, công ty tài chính... Nhưng khi hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán hằng năm chỉ có hướng dẫn chung cho lĩnh vực kiểm toán DN và tài chính - ngân hàng. Đồng thời, việc vận dụng, áp dụng phương pháp và thủ tục kiểm toán dựa trên trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán trên thực tế còn nhiều lúng túng và mất thời gian do lần đầu được KTNN triển khai thực hiện.

Cần những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những thách thức trong công tác kiểm toán năm 2020, KTNN chuyên ngành VII đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là, trong hoạt động kiểm toán, cần luôn bám sát và triển khai có hiệu quả các chỉ đạo, chỉ thị, hướng dẫn của KTNN, của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán; chú trọng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tất cả các cuộc kiểm toán phải đảm bảo được trọng tâm, trọng yếu và mục tiêu kiểm toán đúng hướng dẫn của KTNN và đặc thù của đơn vị. Đổi mới phương thức hoạt động của đơn vị và các phòng trực thuộc, tạo môi trường thuận lợi cho các phòng triển khai thực hiện nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc điều hành và thực hiện liên quan công tác kiểm toán; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị tham mưu của KTNN.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp khảo sát, thu thập thông tin kiểm toán để rút ngắn thời gian thực hiện khảo sát tại đơn vị; một số đầu mối kiểm toán có thể không cần đến đơn vị để khảo sát thu thập thông tin mà có thể khảo sát từ xa. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa đơn vị trong Ngành với phương châm vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, để cuộc kiểm toán được thực hiện thành công thì cần tăng cường sự chỉ đạo và điều hành sâu, sát của lãnh đạo đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán; bám sát các mục tiêu kế hoạch đã đặt ra, kịp thời nắm bắt và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động kiểm toán.

Từ những kinh nghiệm được rút ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực và tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII kiến nghị, hằng năm, khi xây dựng hướng dẫn mục tiêu, nội dung kiểm toán, KTNN cần xem xét, nghiên cứu xây dựng hướng dẫn mục tiêu, nội dung riêng cho lĩnh vực kiểm toán tài chính - ngân hàng với những đặc thù riêng có của nhiều loại hình đơn vị khác nhau. Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục có chỉ thị, chỉ đạo đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường ứng dụng CNTT cũng như phát triển kiểm toán CNTT của KTNN nói chung và KTNN chuyên ngành VII nói riêng. Đồng thời, bổ sung, tăng cường nguồn nhân lực về kiểm toán CNTT có chất lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phát triển kiểm toán CNTT đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh việc chuyển đổi số, số hóa nhanh chóng, mạnh mẽ trong các đơn vị, đối tượng kiểm toán thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực tài chính - ngân hàng