Đường bộ và đường sắt đã sử dụng kinh phí ra sao?

(BKTO) - Qua kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt trong 2 năm 2011-2012 và kiểm toán tổng hợp vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2012 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), KTNN đánh giá rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí cơ bản đúng quy định.




Kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường sắt đã thực hiện sát dự toán được giao. Ảnh: T.S

Đường bộ thực hiệnđạt cao hơn dự toán

Kết quả kiểm toán chi tiết tại các Khu quản lý đường bộ và kiểm toán tổng hợp cho thấy công tác lập dự toán cơ bản căn cứ theo số ước thực hiện của năm 2011, định mức bảo dưỡng thường xuyên ban hành theo Quyết định 3497/2011/QĐ-BGTVT ngày 19/01/2001, tiêu chuẩn ngành ban hành theo Quyết định số 1527/2003/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2003 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trên cơ sở dự toán của các Khu quản lý đường bộ, TCĐBVN tổ chức thẩm định và tổng hợp gửi Bộ GTVT để gửi Bộ Tài chính. Theo đó, dự toán năm 2012 là 9.051,2 tỷ đồng, bằng 357% ước thực hiện năm 2011. Trong đó, vốn sửa chữa đường bộ (loại 220-223) là gần 8.800 tỷ đồng; vốn phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn (loại 220-231) xấp xỉ 253,9 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy công tác giao dự toán của Bộ GTVT cho TCĐBVN loại 220-223 là 2.804,55 tỷ đồng, bằng 32% dự toán lập; loại 220-231 là 41,29 tỷ đồng, bằng 16% so với dự toán lập. Căn cứ vào các Quyết định giao dự toán của Bộ GTVT, TCĐBVN đã phân bổ dự toán cho các đơn vị với tổng số 2.845,8 tỷ đồng, bằng 100% so với số của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, KTNN nhận thấy công tác giao dự toán của Bộ GTVT còn chậm, mà nguyên nhân - theo báo cáo của Bộ - một phần là do điều kiện đặc thù của ngành GTVT về quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể là việc lường trước được kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ để phân bổ từ đầu năm khó thực hiện, công tác này thường phải thực hiện sau mùa bão lũ (tháng 10 đến tháng 11), cho nên ngày 01/11/2012, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định số 2807/QĐ-BGTVT về việc giao dự toán chi ngân sách 99,98 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế 2012 để khắc phục hậu quả bão lũ bước 1 và sửa chữa đường bộ; ngày 05/12/2012, Bộ GTVT mới có Quyết định số 3138/QĐ-BGTVT về việc giao dự toán chi ngân sách 41,39 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế 2012 để khắc phục hậu quả bão lũ bước 1.

Từ nguồn kinh phí được giao, KTNN xác nhận, kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ đã thực hiện là 3.098,86 tỷ đồng, bằng 109% so với dự toán và 87% so với thực hiện năm trước. Nguyên nhân đạt cao hơn so với dự toán là do TCĐBVN thực hiện một số nhiệm vụ năm 2011 chuyển sang. Theo kết quả kiểm toán, số dư kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ năm 2011 chuyển sang năm 2012 là 277,418 tỷ đồng; cơ bản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, TCĐBVN cũng đề nghị chuyển số dư dự toán, dư tạm ứng sang năm 2013 là 36,674 tỷ đồng.

Đường sắt thực hiệnsát dự toán

Còn với ngành Đường sắt, năm 2011-2012, căn cứ tình trạng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường sắt và nhu cầu vận tải trên từng tuyến đường khai thác, quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định hiện hành, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt đã lập kế hoạch kinh phí quản lý, bảo trì đường sắt báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổng hợp, lập dự toán thu, chi ngân sách nguồn vốn sự nghiệp kinh tế trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Tổng số kế hoạch được lập trong 2 năm 2011 và 2012 là 5.777,398 tỷ đồng (năm 2011 là 2.853,9 tỷ đồng; năm 2012 là 2.923,498 tỷ đồng).

Dựa vào dự toán thu, chi NSNN năm 2011, 2012 do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã giao dự toán thu, chi NSNN cho Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT giao kế hoạch kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo chi tiết nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì số tiền 3.054,649 tỷ đồng, bằng 53% dự toán lập (năm 2011 là 1.482,349 tỷ đồng, bằng 52% dự toán lập; năm 2012 là 1.572,3 tỷ đồng, bằng 54% dự toán lập). Căn cứ kế hoạch kinh phí được giao, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao cho các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện. KTNN đánh giá, nhìn chung, việc lập, giao dự toán thu, chi NSNN; giao và phân bổ kế hoạch kinh phí được thực hiện theo quy định.

Qua kiểm toán, KTNN xác nhận kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường sắt đã thực hiện là 3.054,379 tỷ đồng, bằng 99,9% kế hoạch được giao. Trong đó, năm 2011 thực hiện 1.482,097 tỷ đồng, bằng 99,9% kế hoạch vốn; năm 2012 thực hiện 1.572,3 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch vốn. Công tác chuyển số dư dự toán cũng được Đường sắt Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã kiến nghị TCĐBVN và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khắc phục một số hạn chế, tồn tại, thiếu sót. Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán tại TCĐBVN và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do KTNN tiến hành vào tháng 5/2014 và ký ban hành vào tháng 10/2014 nêu rõ: “TCĐBVN và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Bộ GTVT đã chỉ đạo TCĐBVN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, tổng số đã thực hiện gần 4,9 tỷ đồng, đạt 98% so với tổng số kiến nghị xử lý về tài chính. Các kiến nghị về công tác quản lý đã và đang được TCĐBVN và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện”.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Đường bộ và đường sắt đã sử dụng kinh phí ra sao?