Dự án Thủy điện Đakđrinh: Nhiều thiếu sót trong triển khai thực hiện Dự án

(BKTO) - Thực hiện quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, từ ngày 15/6/2017 đến 13/8/2017, KTNN đã thực hiện Cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh (Dự án). Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh (DHC) thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí.



Dự án phải 2 lần xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư

Dự án Thuỷ điện Đakđrinh nằm trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Konplong, tỉnh Kon Tum. Chủ đầu tư của Dự án là Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đakđrinh.

Thuỷ điện Đakđrinh có quy mô công suất 125 MW (2 x 62,5 MW) với cấu hình gồm 2 tổ máy, điện năng sản xuất 540,9 triệu kWh/năm. Dự án đã phát điện hòa lưới quốc gia Tổ máy số 1 vào ngày 29/5/2014 và Tổ máy số 2 vào 29/8/2014.

Tại Dự án này, nguồn vốn đầu tư đến 31/12/2016 được kiểm toán xác nhận là 4.774,1 tỷ đồng (số liệu đã được làm tròn), bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu gần 1.020,7 tỷ đồng; nguồn vốn vay nước ngoài 3.604,4 tỷ đồng; nguồn vốn khác gần 149 tỷ đồng.

Giá trị chi phí đầu tư đến 31/12/2016 được kiểm toán là gần 4.278,2 tỷ đồng, số kiểm toán xác nhận là 3.869,6 tỷ đồng, chênh lệch giảm gần 408,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chênh lệch là do sai khối lượng gần 11,7 tỷ đồng; sai định mức, sai đơn giá 46,6 tỷ đồng; sai khác 20,2 tỷ đồng; chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán gần 155,1 tỷ đồng; nghiệm thu, thanh toán vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 175 tỷ đồng.

Đánh giá việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, KTNN cho rằng, Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cơ bản chấp hành theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các nghị định của Chính phủ… Tuy nhiên, công tác khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt Dự án; lập và điều chỉnh tổng mức đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; nghiệm thu, thanh quyết toán; công tác tái định canh, định cư; lựa chọn nhà thầu còn nhiều bất cập.

Theo kết quả kiểm toán, Dự án đã được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 3.423,1 tỷ đồng lên gần 4.911,6 tỷ đồng (tăng 43,48%) tại một số hạng mục sau: chi phí xây lắp tăng 257,9 tỷ đồng; chi phí thiết bị tăng 238,8 tỷ đồng; chi phí khác tăng 319 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư tăng 429,6 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng 298,6 tỷ đồng; lãi vay giảm 55,4 tỷ đồng... Nguyên nhân điều chỉnh là do khối lượng thi công tạm tính một số hạng mục, số liệu điều tra, khảo sát chưa sát với thực tế, xử lý địa chất yếu; trượt giá nguyên, nhiên liệu các gói thầu xây dựng và lắp đặt; chi phí nhân công tăng do tăng lương tối thiểu từ 540.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng; phát sinh chi phí quản lý Dự án và chi phí tư vấn đầu tư; phát sinh chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư; thay đổi tỷ giá giữa đồng USD so với đồng Việt Nam từ 16.100 đồng/USD lên 20.865 đồng/USD.

Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 là 5.887 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 03/BC-BCT ngày 10/01/2017. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 578/VPCP-CN ngày 20/01/2017 và Công văn số 6632/VPCP-CN ngày 27/6/2017 giao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí cùng chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo, hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ, vận hành an toàn cho Dự án và giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác, kết quả thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2.

Hợp đồng với nhà thầuthiếu chặt chẽ

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu, Báo cáo kiểm toán phản ánh, Hồ sơ yêu cầu gói thầu Tổng thầu không nêu cụ thể quy định về bảo đảm dự thầu là không thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư chỉ định Công ty Cổ phần Cavico giao thông thi công Gương 1, Gương 6 tại hạng mục Hầm dẫn nước không đủ năng lực nên phải thay thế nhà thầu khác để tiếp tục thi công. Tổng thầu và các nhà thầu thành viên còn hạn chế năng lực trong việc cung cấp vật liệu thi công.

Hơn nữa, tại hạng mục Đường tránh ngập lòng hồ Thủy điện Đakđrinh - Nhánh 1, Công ty DHC và liên danh nhà thầu thi công ký hợp đồng khi chưa có bảo đảm thực hiện hợp đồng. Công ty DHC đã tạm ứng cho nhà thầu khi chưa có bảo lãnh tạm ứng số tiền 11,9 tỷ đồng. Đến năm 2012, nhà thầu dừng thi công, Công ty DHC và nhà thầu thống nhất ký Hồ sơ quyết toán với giá trị thực hiện hơn 4,8 tỷ đồng. Do vậy, Công ty DHC đã tạm ứng vượt giá trị thi công thực tế của nhà thầu số tiền trên 7 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán tháng 7/2017, Công ty DHC chưa thu hồi được số tiền tạm ứng vượt này.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư đã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu chưa có trong tổng mức đầu tư được duyệt là thực hiện chưa đúng quy định của Chính phủ; chỉ định thầu vượt hạn mức quy định của Chính phủ; lập, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ mời thầu chung cho 2 gói thầu là không đúng Kế hoạch đấu thầu được duyệt.

Chưa hết, chủ đầu tư đã ký hợp đồng gói thầu Dò tìm và xử lý chất độc hóa học trước và không đúng theo Quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu. Việc làm này không tuân thủ quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Gói thầu Cắm mốc xác định hành lang hồ chứa và quan trắc chuyển vị đập theo hình thức đơn giá cố định cũng được ký không đúng quy định về hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo Kế hoạch đấu thầu được duyệt.

Theo KTNN, chủ đầu tư đã ký hợp đồng Tổng thầu xây lắp giá trị tạm tính gần 2.241,6 tỷ đồng theo giá trị tổng dự toán chưa được phê duyệt. Sau khi tổng dự toán được phê duyệt, Công ty DHC, Tổng thầu xây lắp và các nhà thầu thành viên chưa xác định giá trị hợp đồng chính thức theo quy định tại Điều 5, Hợp đồng Tổng thầu số 12/2011/HĐKT ngày 14/6/2011 để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thiếu sót khi cho phép nhà thầu thi công hạng mục Đường tránh ngập lòng hồ Thủy điện Đakđrinh - Nhánh 1, Nhánh 2 thi công trước khi có Quyết định chỉ định thầu; không ký kết nội dung công việc thu hồi cầu tạm qua sông Đakđrinh với nhà thầu để giảm chi phí đầu tư Dự án; không thương thảo trước khi ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật liệu phụ gia, xi măng, tro bay để giảm giá 2% theo quy định làm tăng chi phí đầu tư gần 4,7 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, KTNN còn chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập của Chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư, quản lý tài chính - kế toán, từ đó đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng và yêu cầu Chủ đầu tư phải nghiêm túc chấn chỉnh.
         
Tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN yêu cầu DHC điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tình hình thực hiện Dự án và xử lý về tài chính gần 419,4 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi vốn đầu tư gần 12,3 tỷ đồng; giảm thanh toán 60,6 tỷ đồng; chưa đủ điều kiện thanh, quyết toán 330 tỷ đồng; kiến nghị khác gần 16,5 tỷ đồng.
   
   Đặc biệt, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu DHC và các đơn vị liên quan báo cáo giải trình cơ sở pháp lý của việc giải ngân vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt, rà soát hiệu quả dự án, xây dựng phương án kinh doanh đảm bảo khả năng thanh toán nợ vay đã được Chính phủ bảo lãnh.
NGUYỄN NAM
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018
Cùng chuyên mục
Dự án Thủy điện Đakđrinh: Nhiều thiếu sót trong triển khai thực hiện Dự án