Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa: Nỗ lực tiết kiệm chi phí nhưng vẫn quá nhiều sai sót

(BKTO) - Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa (gọi tắt là Dự án) do Sở GTVT Thanh Hóa làm Chủ đầu tư, bao gồm 3 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 dài 36,4 km từ Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn) đến nút giao thông tuyến tránh TP. Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 2.170 tỷ đồng; Tiểu dự án 2 từ đoạn cầu Ba Gian đến nút giao tuyến tránh TP. Thanh Hóa và Đại lộ Lê Lợi với tổng mức đầu tư hơn 2.403 tỷ đồng; Tiểu dự án 3 thực hiện chỉnh trang Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Thanh Hóa. Với quy mô đầu tư dự án nhóm A và có yêu cầu cao về kỹ thuật, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, Ban QLDA Giao thông I Thanh Hóa, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm toán, KTNN vẫn phát hiện nhiều sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu… Đặc biệt, KTNN đã chỉ rõ vấn đề chất lượng công trình không đảm bảo và đề nghị các đơn vị liên quan nhanh...



Nỗ lực tiết kiệm chi phíđầu tư…

Theo đánh giá của KTNN, Dự án có quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch xây dựng TP. Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đáp ứng quy hoạch phát triển đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí cho Dự án, cụ thể: giá trị trúng thầu gói thầu xây lắp thuộc Tiểu dự án 2 đã giảm được 5% so với giá trị dự toán được phê duyệt. Việc điều chỉnh một số giải pháp thiết kế tại Tiểu dự án 2 đã giảm chi cho NSNN hơn 230 tỷ đồng, do đoạn Km9+620 - Km11+014 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, không tính vào mức đầu tư tổng Dự án.

Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Dự án được sử dụng đúng mục đích, không để nợ đọng vốn trong quá trình triển khai thực hiện.

Các yêu cầu về nghiệm thu, thanh toán được các bên liên quan thực hiện đầy đủ theo quy định. Sở GTVT Thanh Hóa, Ban QLDA, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đơn vị có liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng và hợp đồng ký kết.

Khối lượng nghiệm thu thanh toán cơ bản phù hợp với khối lượng trên hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt và hồ sơ nghiệm thu chi tiết. Các gói thầu thi công đảm bảo tiến độ cam kết trong hợp đồng, chất lượng các hạng mục đảm bảo theo đúng mục tiêu đề ra.

Tại thời điểm kiểm toán, Tiểu dự án 1 và 2 đã được thông xe, đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa; Tiểu dự án 3 vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.

…nhưng Dự án vẫn vướng nhiều sai phạm và chất lượng công trình chưa đảm bảo

Thứ nhất, sai sót từ những công đoạn đầu.

Ngay từ khâu thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cho Dự án, KTNN đã xác định có nhiều sai sót. Theo báo cáo kiểm toán, tại Tiểu dự án 1, công tác khảo sát hiện trạng chưa đầy đủ dẫn đến phải bổ sung khảo sát 13 đường ngang (đường giao dân sinh với Quốc lộ 1A) với chi phí hơn 328 triệu đồng. Một số đoạn thiết kế đệm cát thoát nước ngang nằm dưới cao độ nền đất sẵn có, không thiết kế rãnh thoát nước nên phải điều chỉnh lại thiết kế, làm tăng giá trị 543 triệu đồng.

Thiết kế bản vẽ thi công lựa chọn phương án xử lý nền đất mặt đường nhựa cũ không phù hợp, phải thay đổi phương án thi công làm tăng giá trị gói thầu hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, một số sai sót trong việc thiết kế các trang thiết bị biến áp, chi phí máy thi công… cũng làm tăng giá trị Dự án 635 triệu đồng. KTNN xác định trách nhiệm thuộc về các đơn vị khảo sát, thiết kế, tư vấn thẩm tra, Ban QLDA và Sở GTVT Thanh Hóa.

Trong công tác thẩm định, phê duyệt dự toán, các đơn vị liên quan tính sai khối lượng, định mức, đơn giá làm tăng giá trị dự toán cho các gói thầu gần 3,4 tỷ đồng. Cụ thể: tại Tiểu dự án 2, thiết kế tính trùng, tính sai khối lượng cũng như chi phí nhân công, làm tăng dự toán với tổng giá trị hơn 3,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN còn phát hiện đơn vị tư vấn lập dự toán và Ban QLDA đã áp dụng định mức thi công giếng cát không đúng quy định với giá trị 23,6 tỷ đồng; áp dụng định mức di chuyển dầm Super T không phù hợp với biện pháp thi công được duyệt trong bản vẽ thiết kế với giá trị hơn 10,2 tỷ đồng (cầu Nguyệt Viên).

Do Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo giá trị dự toán được duyệt nên các sai sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đã ảnh hưởng tới giá trị vốn đầu tư thực hiện. KTNN đã xác định giảm trừ thanh toán hơn 1,3 tỷ đồng và xử lý khác hơn 33,5 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà thầu cũng bị đánh giá là chậm từ 3 đến 6 tháng so với kế hoạch đấu thầu do phải chờ bố trí nguồn vốn (tại Tiểu dự án 1). Đến thời điểm kiểm toán, Tiểu dự án 1 đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng đơn giá, định mức cho vật liệu nền đường, vận chuyển bê tông nhựa của một số gói thầu vẫn chưa được phê duyệt làm cơ sở để nghiệm thu, thanh quyết toán.

Thứ hai, còn nhiều sai phạm trong giải phóng mặt bằng.

Theo Quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án được tách riêng thành tiểu dự án GPMB do UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện. Tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND các huyện và thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư theo địa giới hành chính tuyến đường đi qua địa bàn các địa phương.

Sau quá trình kiểm toán, KTNN cho biết, một số địa phương chưa lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Riêng tại huyện Hà Trung, phương án bồi thường GPMB phê duyệt chưa đầy đủ nội dung về các thông tin đất thu hồi, tài sản thu hồi, căn cứ tính toán số tiền bồi thường; hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thiếu đại diện của các hộ gia đình bị thu hồi đất. Cũng tại địa phương này, công tác thiết kế các hạng mục GPMB và tái định cư chưa phù hợp với thực tế, điều kiện khai thác, sử dụng cũng như phạm vi Dự án nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế các hạng mục như: di chuyển đường ống cấp nước sinh hoạt, công trình hoàn trả vỉa hè, trồng cây xanh...

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán cho tiểu dự án này cũng còn sai sót trong tính toán khối lượng, áp dụng sai định mức chi phí tư vấn và sai cấp địa hình trong lập đơn giá khảo sát. KTNN đã kiến nghị giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện gần 339 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban GPMB và tái định cư TP. Thanh Hóa cũng chưa thực hiện thu hồi để nộp NSNN tiền thanh lý tài sản sau bồi thường GPMB với số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Sự chậm trễ này đã làm phát sinh số tiền lãi hơn 140 triệu đồng (tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn). Đến thời điểm kiểm toán, một số đơn vị chưa xác định giá trị vật tư thu hồi sau khi bồi thường. KTNN xác định, trách nhiệm thuộc về các đơn vị thực hiện công tác bồi thường GPMB và tái định cư của Dự án.

Thứ ba, phổ biến tình trạng nghiệm thu sai khối lượng.

Báo cáo kiểm toán cho biết, tình trạng nghiệm thu sai khối lượng theo kết quả tính toán trên hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hồ sơ hoàn công diễn ra phổ biến. KTNN đã kiến nghị giảm trừ gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, việc quản lý định mức, đơn giá và giá thanh toán cũng xảy ra nhiều sai sót. Về nội dung này, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 84 tỷ đồng.

Thứ tư, Dự án vừa đưa vào sử dụng đã bị hằn lún.

Đoạn đường từ Dốc Xây đến nút giao thông tuyến tránh TP. Thanh Hóa (Tiểu dự án 1) được đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2012 nhưng đến đầu 2013 đã xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy: có đến 25 điểm đo đoạn Km309+500 - Km321+800 bị hằn lún với chiều sâu từ 0,6cm - 1,9cm. Chủ đầu tư đã cho cào bóc, thảm lại bê tông nhựa lớp mặt đối với 5.712m2 đường có chiều sâu hằn lún vệt bánh xe trên 2,5cm.

Còn với 5.401m2 các đoạn có chiều sâu hằn lún dưới 2,5cm, đơn vị thi công đã cào bóc tạo phẳng và đang tiếp tục xử lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Theo báo cáo kết quả kiểm định của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, tình trạng đường bị xuống cấp có thể là do chiều dày và chất lượng thi công lớp áo đường không đảm bảo, lưu lượng xe tải lớn, thiết kế áo đường phân kỳ đầu tư với độ đàn hồi không đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng hằn lún vệt bánh xe tại Dự án.

Chậm thực hiện các kiến nghị của KTNN

Từ những bất cập nêu trên, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Bộ GTVT, Ban QLDA, Sở GTVT Thanh Hóa, Ban GPMB, UBND các huyện và TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo Báo cáo Kiểm tra thực hiện kiến nghị của KTNN tại Dự án, nhiều kiến nghị chưa được các đơn vị thực hiện hoặc thực hiện chậm, chưa chấp hành đúng quy định báo cáo thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Về tài chính, tính đến 30/6/2015, KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 86 tỷ đồng, trong đó giảm chi đầu tư xây dựng hơn 3,8 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác hơn 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra thực hiện kiến nghị (tháng 7/2016), tổng số kiến nghị đã thực hiện chỉ hơn 3,8 tỷ đồng, đạt 4%. Nguyên nhân chậm thực hiện được KTNN xác định là do các nhà thầu thi công chưa hoàn trả tiền theo kiến nghị kiểm toán; Ban GPMB và tái định cư TP. Thanh Hóa đang thẩm định trình UBND TP. Thanh Hóa phê duyệt quyết toán công trình nên chưa thực hiện giảm thanh toán; Ban QLDA và các nhà thầu thi công đã lập hồ sơ điều chỉnh một số hạng mục và đang chờ Sở GTVT Thanh Hóa phê duyệt. Ngoài ra, một số hạng mục thuộc công trình vẫn còn đang thi công nên các đơn vị chưa thực hiện kiểm tra đối chiếu thanh toán theo quy định hợp đồng.

Đối với kiến nghị về vấn đề quản lý đầu tư xây dựng công trình, tại thời điểm kiểm tra, Ban QLDA Giao thông I Thanh Hóa đang thực hiện xây dựng đơn giá và xác định lại khối lượng đắp nền đường, cự ly vận chuyển bê tông nhựa, điều chỉnh định mức di chuyển dầm Super T… làm cơ sở thanh quyết toán. Đơn vị cũng đã thực hiện các kiến nghị về kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho tập thể, cá nhân liên quan đến công tác khảo sát, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, sai sót trong quá trình nghiệm thu, thanh toán.

Với những kiến nghị liên quan đến công tác GPMB và tái định cư tại UBND các huyện và TP. Thanh Hóa, Ban QLDA đã phối hợp với các đơn vị thi công để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ một số hạng mục. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, hồ sơ vẫn chưa được phê duyệt và số tiền giảm trừ thanh toán cũng chưa được thực hiện.

Hơn một năm sau khi kiểm toán Dự án, KTNN đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện kiến nghị và tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình, nghiêm túc thực hiện kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến tài chính. Cụ thể là, tiếp tục thu hồi nộp NSNN hơn 16,6 triệu đồng; giảm thanh toán gần 99 triệu đồng; xử lý tài chính các nội dung liên quan đến tiểu dự án GPMB, tái định cư và một số nội dung khác gần 82 tỷ đồng.

THÙY LÊ
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017
Cùng chuyên mục
  • Những vấn đề cần lưu ý  khi ngân hàng thương mại tài trợ cho các dự án BT
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - ​Tại Việt Nam gần đây, các dự án BT đang có sự tăng cường trở lại. Theo quy định về nguồn vốn thực hiện hình thức đầu tư này, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia tối thiểu phải là 15% đối với các dự án có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở xuống và 10% đối với phần chênh vượt trên 1.500 tỷ đồng. Vốn huy động khác gồm vốn đầu tư của Nhà nước tham gia hoặc nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. Vốn đầu tư của Nhà nước bao gồm vốn từ NSNN, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
  • Lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh - khởi nguồn của những bất cập
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian gần đây, đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) đã góp phần đa dạng hóa hình thức đầu tư công, thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hình thức này đã có những biến tướng, tạo dư luận không mấy tốt đẹp so với bản chất của nó. Một trong những yếu tố gây nên tình trạng tiêu cực đó chính là công tác đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư và nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu.
  • Từ kết quả kiểm toán 21 dự án  đầu tư theo hình thức BT
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tế hiện nay, phương thức đầu tư BT là một chủ trương phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta, đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán của KTNN đối với 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT đã cho thấy, cơ chế, chính sách cũng như thực tế triển khai các dự án này còn nhiều bất cập và hạn chế.
  • Sai sót, hạn chế của dự án BT - nhìn từ kết quả một số cuộc  kiểm toán
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong các năm từ 2013 - 2017, KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện kiểm toán 04 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông. Đó là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng; Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và BT (phần đầu tư theo hình thức hợp đồng BT); Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các dự án này đều được thực hiện theo hình thức Nhà nước trả bằng trái phiếu chính phủ hoặc trả, thanh toán bằng tiền sau khi nhà đầu tư huy động, ứng trước từ nguồn vay ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP. Thanh Hóa: Nỗ lực tiết kiệm chi phí nhưng vẫn quá nhiều sai sót