Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức BOT: Kỳ cuối - Kiến nghị giảm phí và thời gian thu phí qua Trạm BOT Tam Kỳ

(BKTO) - Giảm mức thu phí theo đúng quy định và giảm thời gian thu phí hoàn vốn Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1027, tỉnh Quảng Nam theo hình thức hợp đồng kinh doanh - xây dựng - chuyển giao (BOT) là những kiến nghị quan trọng được KTNN đưa ra trong báo cáo kiểm toán Dự án này.



Chưa đảm bảo tỷ lệ góp vốnchủ sở hữu

Đối với Dự án này, KTNN đánh giá, đơn vị đã tuân thủ nhiều quy định quản lý tài chính, kế toán. Cụ thể, đơn vị đã áp dụng chế độ kế toán DN và các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Công tác lập, luân chuyển, lưu trữ chứng từ phản ánh đúng các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án. Việc mở sổ kế toán, hạch toán kế toán cơ bản kịp thời, tuân thủ các phương pháp và nội dung quy định. Đơn vị đã thực hiện đối chiếu công nợ, nguồn vốn vay phù hợp với Luật Kế toán và các chế độ kế toán.

KTNN cũng đánh giá, nguồn vốn thực hiện Dự án bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay, được đơn vị hạch toán và theo dõi đầy đủ. Cuối kỳ kế toán, đơn vị đã thực hiện đối chiếu, xác nhận vốn vay với ngân hàng cho vay, việc huy động vốn cơ bản đáp ứng theo tiến độ thực hiện Dự án. Vốn đầu tư được quản lý, sử dụng cơ bản đúng mục đích. Công tác giải ngân, thanh toán được tiến hành kịp thời, đảm bảo theo quy định của Nhà nước, quy định của Dự án. Việc giải ngân thanh toán vốn đầu tư được thực hiện qua tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vốn vay được Ngân hàng chi trả trực tiếp cho nhà thầu theo tỷ lệ tương ứng trong Hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, KTNN xác định, trong một số giai đoạn, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tham gia vào thực hiện Dự án thấp hơn so với quy định trong Hợp đồng BOT (cụ thể: tại tháng 01, 3/2014 và từ tháng 8/2014-12/2015). Nguyên nhân do nhà đầu tư còn chiếm dụng nguồn vốn của Dự án (nguồn thuế VAT được hoàn) dẫn đến vốn chủ sở hữu bị thiếu so với vốn vay trong cơ cấu tổng vốn đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2015, tỷ lệ vốn vay và vốn chủ sở hữu là 14,12%/85,88% là chưa phù hợp với tỷ lệ góp vốn theo yêu cầu của Hợp đồng Dự án BOT. Số vốn chủ sở hữu còn thiếu so với vốn vay tại thời điểm 31/12/2015 là 7,14 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý Dự án 5, Tổng công ty CIENCO 5.

Liên quan đến chi phí lãi vay, KTNN nhận định, lãi suất áp dụng tính chi phí lãi vay phù hợp với quy định của Hợp đồng BOT, lãi suất vay thực tế của Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Định luôn thấp hơn từ 0 - 0,7% so với lãi suất vay bình quân của 3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Đơn vị cũng đã tính toán và tập hợp chi phí lãi vay theo đúng thực tế phát sinh. Nhưng KTNN nêu rõ, đơn vị còn xác định lãi vay bao gồm cả phần vốn chủ sở hữu phải đảm nhận là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Vì vậy, số tiền lãi vay do vốn vay phải huy động cao hơn là 1,6 tỷ đồng. Trách nhiệm của bất cập này là thuộc về CIENCO 5.

Rút ngắn hơn 1,5 nămthu phí BOT

Theo KTNN, các thông số chủ yếu trong phương án tài chính cơ bản đã được lập đúng theo quy định, vốn vay được nhà đầu tư huy động phù hợp với yêu cầu; vốn chủ sở hữu cơ bản được đảm bảo theo quy định. Nhà đầu tư cam kết góp vốn vào Dự án 238 tỷ đồng, mức vốn này phù hợp với vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính năm 2012 (đã được kiểm toán bởi KTNN) là 432 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN cũng ghi nhận nhiều mặt làm được trong phương án tài chính như: xác định tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư; lãi suất vốn vay; khảo sát, xác định lưu lượng xe; tính toán chi phí duy tu bảo dưỡng, chi phí tổ chức thu phí…

Tuy nhiên, việc xác định tổng mức đầu tư của Dự án chưa phù hợp (Báo Kiểm toán đã đề cập trên số 49, ra ngày 04/12/2018) đã làm ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư trong phương án tài chính ban đầu. Cụ thể, sau khi cập nhật lại tổng mức đầu tư, KTNN xác định tổng vốn đầu tư theo phương án tài chính cao hơn tổng vốn đầu tư xấp xỉ 69,3 tỷ đồng. Đơn vị còn xác định thiếu lãi vay của tháng 3/2015 làm giảm tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính là 12 tỷ đồng; xác định giá trị hoàn vốn của Dự án gồm cả phần thuế VAT được khấu trừ (100,52 tỷ đồng) là không phù hợp. Tổng hợp kết quả, KTNN xác định, phương án tài chính của Dự án có thời gian hoàn vốn giảm 8 tháng 10 ngày (bắt đầu từ tháng 02/2016 đến tháng 4/2037).

Khi kiểm toán căn cứ trên Đề án thu phí (thông qua Trạm thu phí Tam Kỳ), KTNN nhận xét, việc tính toán thời gian thu phí bắt đầu từ tháng 7/2015 chưa phù hợp với quy định Hợp đồng Dự án BOT ngày 01/02/2016 và tình hình thực tế đến tháng 5/2016 vẫn chưa thực hiện thu phí.

Đồng thời, mức thu phí trên đầu phương tiện giai đoạn 2016-2018 đối với xe khách trên 30 ghế và xe tải từ 4 - 10 tấn theo Đề án thu phí 80.000 đồng/lượt/xe là cao hơn mức quy định trong Thông tư số 168/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính (75.000 đồng/lượt/xe). Tính toán lại với mức thu phí theo đúng quy định, KTNN xác định doanh thu thu phí giảm so với Đề án thu phí là 5,72 tỷ đồng (từ tháng 6/2015-12/2018).

Cùng với đó, theo quy định, chi phí quản lý khai thác được xác định theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thu phí. Tuy nhiên, Đề án thu phí đang áp dụng tỷ lệ này chưa phù hợp với phương án tài chính. KTNN cũng chỉ rõ, Đề án thu phí đang tính toán tổng vốn đầu tư bằng tổng mức đầu tư của Dự án là chưa phù hợp do chưa cập nhật các khoản mục chi phí theo các Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung (theo kết quả kiểm toán phải giảm trừ 68,84 tỷ đồng). Ngoài ra, đơn vị đang thực hiện hoàn vốn của Dự án đối với phần thuế VAT được khấu trừ là không phù hợp, giá trị phần thuế VAT đã hoàn là 81,76 tỷ đồng. Sau khi tổng hợp và điều chỉnh lại các chỉ tiêu, KTNN xác định Dự án phải giảm thời gian thu phí hoàn vốn là 1 năm 7 tháng 7 ngày.

ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018
Cùng chuyên mục
Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức BOT: Kỳ cuối - Kiến nghị giảm phí và thời gian thu phí qua Trạm BOT Tam Kỳ