Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Khó khăn trong bố trí nguồn vốn làm chậm tiến độ

(BKTO) - Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm toán (tháng 3 đến tháng 5/2018), KTNN đã chỉ rõ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và việc bố trí kế hoạch vốn không đảm bảo khiến cho Dự án khó hoàn thành tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một số sai sót trong quá trình thực hiện Dự án và kiến nghị xử lý tài chính gần 34,6 tỷ đồng.



Bố trí vốn chưa phù hợpvới tiến độ Dự án

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài tuyến khoảng 51,5km (đoạn qua TP. Cần Thơ dài 25km, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 26,5km). Kinh phí đầu tư Dự án từ nguồn vốn vay, vốn ngân sách T.Ư và trái phiếu chính phủ. Cùng với các dự án giao thông trong vùng, việc xây dựng tuyến đường này sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế, đó là đường hành lang ven biển phía Nam nối liền Campuchia và Thái Lan.

Theo Báo cáo kiểm toán, tổng mức đầu tư Dự án ban đầu được duyệt theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 6.207,4 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh 3 lần. Tuy nhiên, việc phê duyệt Dự án điều chỉnh chưa đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư để thanh toán cho Dự án, công trình theo thời gian, tiến độ quy định. Cụ thể, Dự án điều chỉnh lần 2 có tổng mức đầu tư là 6.693,7 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn trước mắt thực hiện trong phạm vi vốn đã được xác định tại Biên bản ghi nhớ giữa Đoàn công tác của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và cơ quan của Chính phủ Việt Nam là 6.126,7 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí còn thiếu hơn 567 tỷ đồng so với nguồn vốn xác định.

Dự án điều chỉnh lần 3 được phê duyệt khi nguồn vốn bố trí đến hết giai đoạn 2020 là 2.991 tỷ đồng, tương ứng 47% nhu cầu vốn của Dự án (vốn vay là 1.803,3 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.187,7 tỷ đồng), so với nhu cầu vốn của Dự án số vốn còn thiếu là 3.364,2 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu hoàn thành Dự án trong năm 2018 theo kế hoạch là khó có khả năng thực hiện.

Tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 15/3/2017 về việc điều chỉnh quy mô Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT “chủ động cân đối trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT để bổ sung phần vốn còn thiếu cho Dự án sau khi điều chỉnh”. Theo đó, tại Văn bản số 7923/BGTVT-KHĐT ngày 18/7/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án, Bộ GTVT có ý kiến “đối với phần vốn còn thiếu, Bộ GTVT sẽ ưu tiên Dự án này và chủ động cân đối trong kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ để bổ sung phần vốn còn thiếu cho Dự án sau khi điều chỉnh”. Ngày 10/5/2018, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng, trong đó đề xuất bổ sung kế hoạch vốn cho Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 2.652,7 tỷ đồng. Như vậy, theo KTNN, trách nhiệm chậm cân đối vốn cho Dự án thuộc về Bộ GTVT.

Cũng theo đánh giá của Đoàn kiểm toán, việc giải ngân vốn cho Dự án chưa đảm bảo tuân thủ cơ cấu vốn theo quy định tại Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Theo phân bổ khoản vay của Hiệp định thì chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được chi trả nội tệ. Tuy nhiên, Dự án đã sử dụng nguồn vốn vay khoảng 2.487 triệu KRW (tương đương 52,2 tỷ đồng) để thanh toán cho hạng mục tiện ích cải dịch và bảo vệ các công trình tiện ích (thực chất là di chuyển các công trình công cộng thuộc phần công việc của tiểu dự án giải phóng mặt bằng).

Nhiều sai sót làm giảmhiệu quả sử dụng vốn

Theo đánh giá của KTNN, trong triển khai thực hiện Dự án, nhìn chung, các đơn vị được kiểm toán đã cơ bản chấp hành tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng, chế độ tài chính kế toán, quy chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án. Tuy nhiên, có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của Dự án.

Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, việc Bộ GTVT phê duyệt hạng mục di dời công trình công cộng thuộc công tác giải phóng mặt bằng vào phần chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư là không phù hợp quy định của Chính phủ và Hiệp định vay vốn. Việc tính chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa phù hợp quy định, làm tăng tổng mức đầu tư gần 47,9 tỷ đồng. Công tác lập dự toán còn sai sót, chưa đủ cơ sở xác nhận dẫn đến sai lệch giá trị dự toán gần 226,6 tỷ đồng (bằng 5,58% giá trị dự toán được duyệt).

Thời gian thi công các gói thầu của Dự án theo hợp đồng là 30 tháng kể từ ngày khởi công (08/6/2016), thời gian hoàn thành vào tháng 12/2018. Đến thời điểm 31/3/2018, các gói thầu vẫn đang thi công và hoàn thành được khoảng 30,08% khối lượng công việc. Nguyên nhân do còn vướng mặt bằng và kế hoạch bố trí vốn chưa kịp thời cũng ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu.

Trong công tác quản lý chi phí đầu tư Dự án, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số sai sót với giá trị gần 34,6 tỷ đồng (bằng 4,17% giá trị chi phí thực hiện). Trong đó, sai khối lượng 152 triệu đồng; sai đơn giá hơn 5,7 tỷ đồng; sai khác 28,7 tỷ đồng.

Bất cập khác được cũng Đoàn kiểm toán chỉ ra là, đến ngày 31/3/2018, vốn NSNN ứng trước chưa thu hồi của Dự án là 203 tỷ đồng (năm 2011 là 3 tỷ đồng, năm 2014 là 200 tỷ đồng). Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã bố trí vốn để thu hồi số vốn ứng năm 2014, tuy nhiên chưa bố trí cụ thể thời gian thu hồi, nên việc thu hồi vốn chưa kịp thời, chưa tuân thủ quy định. Bên cạnh đó, Hiệp định vay vốn quy định việc tuyển dụng tư vấn sẽ lựa chọn công ty của Hàn Quốc, dẫn đến phải ký hợp đồng thuê nhà thầu tư vấn Hàn Quốc thực hiện gói tư vấn với giá trị hợp đồng là 206,6 tỷ đồng - lớn gấp 11 lần chi phí tư vấn trong nước (tính theo định mức chi phí tư vấn là hơn 18,1 tỷ đồng).

Từ kết quả kiểm toán, ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính gần 34,6 tỷ đồng, KTNN kiến nghị đại diện chủ đầu tư Dự án (Tổng công ty Cửu Long) khắc phục các bất cập đã được chỉ ra; phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án. KTNN kiến nghị Bộ GTVT cân đối, bố trí nguồn vốn kịp thời đảm bảo thanh toán cho Dự án theo thời gian, tiến độ đã được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền và nhà tài trợ để có cơ sở xác nhận chi phí và nguồn vốn thanh toán cho hạng mục di chuyển công trình công cộng của Dự án.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Khó khăn trong bố trí nguồn vốn làm chậm tiến độ