Cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình: Hội tụ những giá trị “vàng”

(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI Đỗ Đình Sơn bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình do KTNN khu vực XI thực hiện trong năm 2016 được Hội đồng Thi đua khen thưởng KTNN công nhận là cuộc kiểm toán chất lượng Vàng. Đây là kết quả phấn đấu của toàn thể các thành viên Đoàn kiểm toán, tạo động lực để KTNN khu vực XI thực hiện các cuộc kiểm toán tiếp theo với chất lượng ngày càng được nâng cao.



Những giá trị “vàng”

Cuộc kiểm toán đạt chất lượng Vàng là sự hội tụ của nhiều yếu tố từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán, đến quá trình thực hiện kiểm toán cũng như phát hành Báo cáo kiểm toán. Nhận thức rõ điều này, đồng thời với tư cách là Trưởng Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình, ông Đỗ Đình Sơn chia sẻ: Ưu điểm nổi bật tạo nên giá trị vàng của cuộc kiểm toán này chính là hồ sơ kiểm toán đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Ngành.

Đoàn kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 834 tỷ đồng.Ảnh: PV
Đáng lưu ý, Báo cáo kiểm toán đã đưa ra kiến nghị xử lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật, sát với thực tế, có sức thuyết phục, được địa phương đồng tình, đánh giá cao. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 834,3 tỷ đồng, gồm: tăng thu NSNN 25,9 tỷ đồng; xử lý các khoản qua kiểm toán chi ngân sách 118,6 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 689,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đoàn kiểm toán còn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương. Đó là tình trạng nợ đọng tiền thuế nội địa năm 2015 vẫn chưa được cải thiện, số nợ thuế đến cuối năm là 341,2 tỷ đồng, bằng 9,85% so với tổng thu nội địa tính trong cân đối do Cục Thuế quản lý, tăng 73,6% so với năm 2014. Bằng việc thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, năm 2015, Cục Thuế Ninh Bình đã thu được 110,9 tỷ đồng, đạt 74,2%. Mặc dù thu được nợ cũ nhưng nợ mới lại phát sinh với số tiền 143,4 tỷ đồng, bằng 96% số nợ có khả năng thu năm trước. Nguyên nhân của thực trạng này là do nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ trốn vì không có khả năng nộp thuế để nợ thuế kéo dài. Mặt khác, người nộp thuế chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách và tính hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách nói chung cũng như việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ chưa cao. Ngoài ra, sự thay đổi của chính sách thuế mới cũng phần nào khiến nợ đọng thuế tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán cũng đã chỉ rõ nhiều bất cập trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Minh chứng là, tất cả 19 dự án đầu tư xây dựng cơ bản được kiểm toán đều có tình trạng tính sai, tính trùng lắp khối lượng, dự toán áp sai khối lượng thiết kế, áp sai đơn giá, tỷ lệ theo quy định, đáng chú ý là có hạng mục thi công tỷ lệ sai sót lên tới 76,9% trên tổng giá trị của hạng mục, công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn để nợ xây dựng cơ bản cao nhưng địa phương chưa xây dựng được kế hoạch và lộ trình để xử lý… Từ đó, Đoàn kiểm toán kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính đối với địa phương.

Phân công, phối hợp thực hiện tốt quy trình kiểm toán

Theo Trưởng Đoàn kiểm toán Đỗ Đình Sơn, kết quả trên là công sức, trí tuệ của một tập thể đoàn kết, các kiểm toán viên luôn tuân thủ nhiệm vụ được phân công, thông tin, phối hợp tốt với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây còn là thành quả của quy trình kiểm toán bài bản, khoa học từ khâu khảo sát thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, đến thực hiện kiểm toán, phát hành Báo cáo kiểm toán. Để chuẩn bị cho cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã tổ chức khảo sát, đưa ra những thông tin ban đầu chính xác, sát với tình hình thực tế của đơn vị, từ đó xây dựng kế hoạch, phương pháp kiểm toán bám sát mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán; trên cơ sở đó, phân công nhiệm vụ cho từng Tổ kiểm toán và các thành viên.

Song song với đó, việc quán triệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán; các chỉ thị của Tổng Kiểm toán Nhà nước (Chỉ thị số 873/CT-KTNN ngày 27/5/2016 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, Chỉ thị số 769/CT-KTNN ngày 29/4/2016 về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán...); Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của Đảng ủy KTNN khu vực XI và quy định về quản lý hoạt động của Đoàn kiểm toán của Kiểm toán trưởng cũng được thường xuyên coi trọng.

Đồng thời, việc chỉ đạo, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình kiểm toán của Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán luôn đảm bảo sát sao, thường xuyên, liên tục. Khi gặp vấn đề phát sinh, một số trường hợp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Kiểm toán trưởng để tháo gỡ ngay, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong quá trình kiểm toán, Đoàn kiểm toán cũng đã gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện kiểm tra, đối chiếu số liệu về tình hình thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các DN ngoài quốc doanh. Do pháp luật chưa có chế tài nên một số DN thường lấy lý do để kéo dài thời gian, cung cấp hồ sơ tài liệu nhỏ giọt, thậm chí không phối hợp với Đoàn kiểm toán. Để cuộc kiểm toán thực hiện theo đúng kế hoạch đã được lãnh đạo KTNN phê duyệt, Đoàn kiểm toán đã tranh thủ phối hợp với cơ quan thuế và chính quyền địa phương (huyện, tỉnh), thực hiện phương pháp làm việc có kế hoạch, tuân thủ trình tự kiểm tra, đối chiếu của ngành và thể hiện thái độ dứt khoát, quyết liệt đối với các DN. Nhờ đó, cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình đã đạt được kết quả khả quan và là 1 trong 8 cuộc kiểm toán được công nhận là cuộc kiểm toán chất lượng Vàng.

NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
Cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tỉnh Ninh Bình: Hội tụ những giá trị “vàng”