Cần thống nhất, minh bạch trong xác định phạm vi nợ công

(BKTO) - Nợ công gồm những khoản nợ nào? Các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của DNNN, nợ của Ngân hàng Nhà nước có được tính vào nợ công hay không? Đó là những câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo bàn về nợ công. Góp ý sửa đổi Luật Quản lý nợ công, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đưa ra những ý kiến phân tích hết sức sâu sắc nhằm tháo gỡ vướng mắc trong xác định phạm vi nợ công.



Minh bạch các khoản nợ công

Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Quản lý nợ công nêu rõ, một trong những bất cập trong quản lý nợ công là còn có những quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần có sự thống nhất. Tuy nhiên, theo nhận xét của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này cũng không có gì đổi mới, nợ công vẫn bao gồm nợ chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. “Vậy nợ của DNNN, nợ của các đơn vị sự nghiệp công khi làm ăn bị thua lỗ dẫn đến phá sản thì Chính phủ có bỏ tiền ra để giải cứu không? Việc Chính phủ vay tiền ở một số quỹ thì tiền đó có phải là tiền Chính phủ nợ trong nước hay không, hay gọi là tiền nợ gì? Đã đến lúc chúng ta cần phải làm rõ và công khai, minh bạch các khoản nợ công thì mới bảo đảm an ninh tài chính quốc gia” - đại biểu đề nghị.


Cần công khai, minh bạch các khoản nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ảnh: TS

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, cần xem xét tính toán kỹ thêm đối với các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh. Đối với DNNN và DN Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước có trách nhiệm đối với khoản nợ trong trường hợp DN mất khả năng trả nợ không? Đối với một DN song song tồn tại một khoản vay có bảo lãnh Chính phủ và những khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ, khi DN mất khả năng trả nợ thì trách nhiệm của Nhà nước đến đâu? Theo đại biểu, trên danh nghĩa các khoản nợ vay của DN này là tự vay, tự trả nhưng các DN này thường được nhận những khoản hỗ trợ “mềm” từ Chính phủ dưới các hình thức như bổ sung vốn, khoanh, giãn nợ, chuyển, xóa nợ. Nguồn hỗ trợ này đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách ảnh hưởng tới nợ công.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, đánh giá lại việc nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng. “Đây cũng là những khoản nợ phải bố trí nguồn ngân sách để trả, nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành ngân sách” - đại biểu nhận định.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng bày tỏ băn khoăn, ở Việt Nam Ngân hàng Nhà nước nằm trong hệ thống Chính phủ. Vì vậy cần xem xét và cân nhắc nếu không tính thì có hợp lý không? Chủ thể đích thực của Ngân hàng Nhà nước và DNNN là ai? Đại biểu cho rằng, theo định nghĩa về khu vực công, Ngân hàng Nhà nước và DNNN thuộc khu vực công, như vậy đương nhiên nợ của họ phải do Nhà nước trả.

Tăng cường công tác giám sát

Nhấn mạnh việc xác định phạm vi nợ công phù hợp là 1 trong 3 vấn đề gốc rễ để quản lý chặt chẽ và hiệu quả nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất với quy định về phạm vi nợ công trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên đại biểu không đồng tình việc Dự thảo Luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công vì khi có rủi ro thì nhà nước hoặc NSNN vẫn phải gánh chịu các khoản nợ này. Việc không quy định trong luật này thì quy định trong luật nào cũng cần làm rõ. Bởi hiện nay các luật liên quan không có các quy định để xử lý rủi ro của các khoản nợ này trên nguyên tắc không tăng gánh nặng cho nhà nước, không ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

Đại biểu phân tích: Khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả nợ tự vay, tự trả thì nhà nước buộc phải gánh thay để không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ nhà nước giao cho các đơn vị này. Nhà nước phải gánh nợ thay, vì đây là các đơn vị của nhà nước mà không có quy định các đơn vị này được phá sản.

Đối với DNNN, khi không trả được nợ có thể phá sản nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay, rủi ro cao, vay phải trả cao, người lao động mất việc làm, các khoản nợ không trả được sẽ trở thành nợ xấu của ngân hàng... Nợ nước ngoài của DNNN được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia, nên cần phải có quy định trong luật để giám sát và nhà nước phải có giải pháp mang tính chính sách để quản trị rủi ro này.

Đối với nợ xây dựng cơ bản, nợ hoàn Thuế Giá trị gia tăng, nợ mang tính điều hành... phải quy định rõ trong luật này và xử lý dứt điểm trong năm ngân sách, tránh tăng sức ép và làm hạn hẹp ngân sách năm sau. Từ đó ảnh hưởng đến bội chi nợ công, nên phải giám sát và quản trị. “Các khoản nợ nói trên nếu không quy định rõ trong luật biện pháp giám sát và xử lý rủi ro thì phải cân nhắc đưa vào phạm vi nợ công” - đại biểu Hàm đề xuất.

Dẫn báo cáo của KTNN cho thấy, trong thời gian qua, nhiều khoản cho vay lại, vay được Chính phủ bảo lãnh được đánh giá là sử dụng chưa hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ buộc phải cơ cấu lại khoản nợ, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị, cần tăng cường quản lý chặt chẽ các khoản bảo lãnh đang thực hiện nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của DN nhằm giảm khả năng Chính phủ phải trả nợ thay.

Tán thành với những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) thống nhất quan điểm, dù không đưa các khoản tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công nhưng Dự thảo phải có những điều quy định chặt chẽ về việc giám sát quản lý khi các DN cũng như các tổ chức khác vay của nước ngoài.

Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
Cần thống nhất, minh bạch trong xác định phạm vi nợ công