Bất cập trong công tác xử lý tài chính

(BKTO) - Trong những năm qua, KTNN chuyên ngành V đã được lãnh đạo KTNN giao thực hiện 8 cuộc kiểm toán liên quan đến việc xử lý tài chính và tư vấn định giá DN để cổ phần hóa (CPH) các tổng công ty. Kết quả kiểm toán là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt giá trị DN để CPH, giúp cho quá trình CPH DN đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.



Qua công tác kiểm toán, KTNN chuyên ngành V đã phát hiện một số hạn chế, tồn tại trong quá trình xử lý tài chính của DN CPH và việc định giá DN của các đơn vị tư vấn.

Đối với hoạt động tổ chức định giá DN, hầu hết các Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CPH của các DN CPH còn thiếu kinh nghiệm, nắm bắt chính sách về CPH của Nhà nước còn chưa đầy đủ dẫn đến chưa hiểu hết trách nhiệm, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc khi CPH DNNN.

KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc định giá máy móc thiết bị của các DNNN
Ảnh: ĐÔNG SƠN
Đa số các tổ chức tư vấn định giá DN đều lựa chọn phương pháp định giá tài sản dẫn đến một số nội dung chưa được định giá, như: tài sản vô hình, bí quyết công nghệ, năng lực, trình độ quản lý của ban lãnh đạo, tay nghề của công nhân... Một số trường hợp tổ chức định giá sau thời điểm định giá DN CPH quá dài dẫn đến việc xác định giá thị trường của tài sản DN theo phương pháp định giá tài sản tại thời điểm định giá DN là chưa phù hợp.

Hầu hết các đơn vị công bố giá trị DN để CPH đều vượt quá thời gian tính từ thời điểm định giá (6 tháng đối với phương pháp tài sản; 9 tháng đối với phương pháp dòng tiền chiết khấu), cá biệt có một số đơn vị vẫn giữ kết quả định giá vượt thời gian tối đa (18 tháng) khiến kết quả định giá DN không còn ý nghĩa.

Ngoài hai phương pháp định giá (tài sản, chiết khấu dòng tiền), quy định hiện hành về định giá DN để CPH còn chưa có hướng dẫn liên quan đến các phương pháp định giá DN khác.

Đối với công tác xử lý tài chính cũng có nhiều bất cập được phát hiện qua kiểm toán. Chẳng hạn, việc tổ chức kiểm kê phân loại tài sản là hiện vật còn mang tính hình thức, thậm chí có trường hợp không kiểm kê thực tế. Chưa có quy định yêu cầu Hội đồng kiểm kê của DN CPH phải xác định giá trị thị trường của tài sản tương đương và tỷ lệ còn lại của tài sản để làm cơ sở so sánh. Hầu hết các đơn vị đều không đối chiếu đầy đủ nợ công, không kiên quyết xử lý nợ phải thu khó đòi. Nhiều trường hợp DN có vốn đầu tư tài chính, liên doanh liên kết chưa kiểm toán Báo cáo tài chính tại thời điểm định giá… dẫn đến xác định chưa chính xác giá trị vốn đầu tư của DN CPH.

Trong việc xác định DN theo phương pháp định giá tài sản, tính đến đầu năm 2017 vẫn chưa có quy định, cơ chế xác định lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN CPH; không có cơ chế, quy định liên quan để xác định giá trị các diện tích đất được giao cho DN CPH thực hiện dự án kinh doanh bất động sản nhưng vẫn đang thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa được bàn giao mốc giới…

Trong định giá các khoản đầu tư tài chính vào các DN niêm yết, do thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên giá khớp lệnh của cổ phiếu tương ứng tại thời điểm xác định giá trị DN không phản ánh chính xác giá trị thị trường. Đối với các khoản đầu tư tài chính vào DN chưa niêm yết, quy định hiện hành chưa phản ánh được tính thị trường của các khoản đầu tư nên việc xác định giá trị DN khó đảm bảo tính xác thực, minh bạch. Đối với khoản góp vốn bằng ngoại tệ, khi xác định giá trị DN thì được định giá lại theo tỷ giá hiện thời, trong khi DN nhận góp vốn đã vốn hóa khoản góp vốn này theo tỷ giá tại thời điểm nhận góp vốn.

Bên cạnh đó, còn có những bất cập trong định giá lợi thế kinh doanh của DN (tiềm năng phát triển của DN, chi phí phát triển thương hiệu); định giá tài sản vô hình; định giá máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ, nhà cửa, vật kiến trúc…

Đối với công tác định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, tuy phương pháp này có nhiều ưu điểm, nhưng do phần lớn các DNNN hoạt động thường kém hiệu quả, lợi nhuận thấp hoặc lỗ, nên nếu áp dụng phương pháp này thì giá trị DN thường thấp hơn giá trị tài sản hoặc thậm chí âm, không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, phương pháp này luôn phải sử dụng thị trường chứng khoán hoặc các công ty niêm yết làm chuẩn nên điều kiện của Việt Nam còn nhiều hạn chế (số lượng công ty tham gia thị trường chứng khoán nhỏ, nhiều ngành có số lượng công ty đại diện rất ít, dữ liệu lịch sử về giá ngắn, thông tin về các công ty hoạt động trong từng ngành không được cập nhật…).

Để công tác xử lý tài chính và định giá DN CPH được tiến hành thuận lợi hơn, KTNN chuyên ngành V đã đề xuất 7 giải pháp.
Một là, bổ sung quy định việc lựa chọn tối thiểu 2 phương pháp định giá khi tư vấn xác định giá trị DN; hướng dẫn cách áp dụng một số phương pháp khác theo thông lệ quốc tế, trong đó phương pháp định giá tài sản là phương pháp cơ sở để so sánh nhằm xác định chính xác giá trị DN trước khi CPH.

Hai là, áp dụng về giá trị DN trần - giá sàn để chủ sở hữu DN lựa chọn phương pháp xác định giá trị DN và các nhà đầu tư có một góc nhìn khách quan hơn trước khi quyết định đầu tư.

Ba là, thiết lập hệ thống báo cáo bắt buộc và lưu trữ cơ sở dữ liệu về báo cáo và phương pháp định giá áp dụng cho công ty đã định giá.
Bốn là, ban hành tiêu chí xếp hạng các tổ chức tư vấn để các chủ sở hữu DN CPH dễ dàng lựa chọn các tổ chức có uy tín, chất lượng trong việc tư vấn định giá DN.

Năm là, bổ sung hướng dẫn đối với việc định giá lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng; đất giao không thu tiền sử dụng đất…
Sáu là, đối với các khoản đầu tư tài chính thì cần quy định định giá thấp nhất là giá trị sổ sách của DN CPH để bảo toàn đồng vốn, tránh mất vốn; các cổ phiếu niêm yết cần định giá thấp nhất là giá trị sổ sách của cổ phiếu.

Bảy là, cần ban hành quy định cụ thể về cổ đông chiến lược, bắt buộc đấu giá khi lựa chọn cổ đông chiến lược; đồng thời bổ sung yêu cầu công khai thông tin khi lựa chọn cổ đông chiến lược với tỷ trọng lớn.

HỒNG THOAN (lược trích)
Cùng chuyên mục
Bất cập trong công tác xử lý tài chính