Nâng cao hiệu quả kiểm toán nợ chính quyền địa phương

Đối nội - Ngày đăng : 06:05, 30/03/2017

(BKTO) - Kiểm toán nợ chính quyền địa phương là một nội dung quan trọng trong kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công cũng như các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP). Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc kiểm toán nợ chính quyền địa phương vẫn còn những hạn chế. Bởi vậy, tìm giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả kiểm toán nợ chính quyền địa phương là vấn đề mà KTNN đã và đang đặt ra.



Nhiều địa phương có tỷ lệ dư nợ vay quá cao, kéo dài nhiều năm so với quy định của Luật NSNN. Ảnh: TK
Thành công và hạn chế

Thực tiễn cho thấy, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm liên quan đến nợ chính quyền địa phương. Đơn cử, từ cuộc kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2014, KTNN phát hiện 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng hạn mức vay báo cáo Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh và trình Chính phủ phê duyệt theo quy định; 10 tỉnh không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; 6 tỉnh không bố trí đủ dự toán để trả nợ vay.

Một số địa phương bố trí các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay không đúng danh mục dự án đã đăng ký với Bộ Tài chính; bố trí cho các dự án không nằm trong kế hoạch 5 năm, kế hoạch trung hạn 3 năm được HĐND phê duyệt; không tính vào hạn mức vay khoản vay vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Nếu tính đầy đủ các khoản vay theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công thì 19/50 tỉnh, thành phố Trung ương có mức dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán NSĐP, KTNN các khu vực cũng đã phát hiện những sai phạm, tồn tại của địa phương như: sử dụng vốn không đúng với danh mục công trình, dự án đã được HĐND tỉnh quyết nghị, đăng ký với Bộ Tài chính, mức dư nợ vượt tỷ lệ quy định, công trình sử dụng không hiệu quả...từ đó đưa ra những kết luận, kiến nghị nhằm giúp các địa phương quản lý tốt hơn nợ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, do nội dung kiểm toán nợ chính quyền địa phương đều được thực hiện lồng ghép với kiểm toán NSĐP nên hiệu quả kinh tế các dự án từ nguồn vốn vay, cũng như khả năng cân đối ngân sách hằng năm, khả năng trả nợ chưa được xem xét hoặc xem xét chưa đầy đủ. Hầu như chưa có cuộc kiểm toán nào đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn vay mà chỉ tập trung đánh giá tính tuân thủ trong việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng như các nguồn huy động khác có liên quan đến nợ chính quyền địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống các quy định, cẩm nang hoặc các chỉ dẫn về kiểm toán nợ chính quyền địa phương khi kiểm toán quyết toán ngân sách hằng năm chưa được ban hành đầy đủ. Mặt khác, Luật Quản lý nợ công năm 2009 và các luật có liên quan còn nhiều bất cập nên khi thực thi nhiệm vụ, KTNN gặp không ít khó khăn trong việc xác định các khoản nợ thuộc phạm vi nợ chính quyền địa phương.

Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực VIII kiến nghị, để việc kiểm toán nợ chính quyền địa phương đạt được kết quả, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần nghiên cứu, ban hành hệ thống các quy định, cẩm nang hoặc các chỉ dẫn về vấn đề này khi kiểm toán quyết toán ngân sách hằng năm. Ngoài ra, vấn đề kiểm toán nợ chính quyền địa phương cũng cần được xác định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo KTNN khu vực VIII, nghiệp vụ quản lý nợ chính quyền địa phương rất phức tạp và khó khăn. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ Kiểm toán viên (KTV) và chuyên gia có kỹ năng kiểm toán, am hiểu về quản lý nợ, quản lý tài chính công để có thể tiến hành các cuộc kiểm toán nợ chính quyền địa phương đạt chất lượng. Cùng với đó, đơn vị kiểm toán cần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nợ để có thể thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ và quản lý nợ. Kết quả kiểm toán nợ chính quyền địa phương phải đảm bảo công khai, minh bạch, qua đó giúp cho các đơn vị được kiểm toán nhận thấy rõ sai phạm và trách nhiệm của mình.

Kiểm toán nợ chính quyền địa phương là một nội dung quan trọng và tương đối phức tạp. Bởi vậy, KTNN khu vực XII cho rằng, trong quá trình kiểm toán, các KTV cần xác định đúng, đủ các khoản nợ của chính quyền địa phương; xem xét tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của từng khoản vay và việc bố trí vốn cho các công trình, sử dụng các công trình sau khi nghiệm thu.

Đối với các địa phương có tỷ lệ dư nợ vay quá cao, kéo dài nhiều năm so với quy định của Luật NSNN, KTV cần đánh giá trách nhiệm và biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời kiến nghị địa phương ưu tiên nguồn vốn trả nợ các khoản vay, đảm bảo không cao hơn mức trần quy định. Đây là kinh nghiệm nghề nghiệp thiết thực mà KTV cần lưu ý để đánh giá đúng thực trạng nợ của các địa phương, từ đó đưa ra kết luận, kiến nghị phù hợp, giúp địa phương thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật, nhất là Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công.

NGỌC MAI