Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 20/04/2017

(BKTO) - Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định về kiểm soát (KS), kiểm toán nội bộ (KTNB) nhưng việc triển khai thực hiện của DN vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro của DN, một trong các giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh là cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hệ thống KS, KTNB hoạt động.



Luật Kế toán 2015 đã bổ sung quy định về kiểm toán nội bộ.Ảnh: TS
Quy định đã có nhưng thực thichưa hiệu quả

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, quản trị rủi ro, KS, KTNB là chìa khóa nâng cao năng lực quản trị DN. Nhận thức rõ được tầm quan trọng này, Luật Kế toán 2015 đã bổ sung quy định về KTNB. Theo đó, KTNB có nhiệm vụ kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB); kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính trong Báo cáo tài chính...phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý tài sản của đơn vị, đề xuất giải pháp cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị.

Cùng với đó, Luật Kiểm toán độc lập 2011 cũng đã quy định trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng trong việc xây dựng và vận hành hệ thống KSNB; tổ chức KTNB theo quy định của pháp luật. Ngoài những quy định chung, vấn đề KS, KTNB của tổ chức tín dụng (TCTD), DN bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán còn được quy định cụ thể trong các nghị định, thông tư.

Mặc dù pháp luật đã quy định về KS, KTNB nhưng theo Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) Lê Thị Tuyết Nhung, việc triển khai các quy định này vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các chuẩn mực cũng như hướng dẫn chung về quy trình KTNB chưa được ban hành. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ, kiểm soát viên nội bộ còn thiếu.

Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý về KS, KTNB mới chỉ tập trung vào các DN đặc thù; trong khi đó, đối với các DN thuộc lĩnh vực khác (DN niêm yết, DNNN), vấn đề này chưa được quy định.

Từ góc nhìn thực tiễn, ông Hoàng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam - nhận định, các DN Việt vẫn chưa tổ chức hệ thống KSNB một cách bài bản và có hệ thống theo chuẩn quốc tế. Không ít DN vẫn nhầm lẫn khái niệm giữa KSNB và KTNB. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động giữa bộ phận KSNB và KTNB...

Hoàn thiện hơn các quy định pháp lý

Hệ thống KS, KTNB đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng quản lý của các DN trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Yêu cầu về bảo vệ tài sản, tăng độ tin cậy của thông tin tài chính, đảm bảo cho các hoạt động của đơn vị tuân thủ các quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi các DN, các đơn vị phải thiết lập, duy trì, đảm bảo tính hiệu lực của hệ thống KS, KTNB. Để đáp ứng được yêu cầu này và khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh là tiếp tục hoàn thiện các quy định về KS, KTNB.

Cụ thể hơn, bà Lê Thị Tuyết Nhung kiến nghị, Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp để sớm ban hành Nghị định về KTNB. Sau khi Nghị định này ra đời, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế mẫu về KTNB; đồng thời xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này trên cơ sở thông lệ quốc tế. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các Hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên, kiểm soát viên nội bộ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) và Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cũng khuyến nghị, trên cơ sở quy định KSNB tại Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính cần đưa ra một văn bản hướng dẫn mang tính định hướng cho các DN lựa chọn mô hình KSNB thích hợp; mặt khác, Việt Nam cần có quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với kiểm soát viên nội bộ; phân định rõ KTNB và KSNB.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động KS, KTNB, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm giúp các DN nâng cao nhận thức về vai trò của KS, KTNB, nhận thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng hệ thống KS, KTNB hướng tới quản trị rủi ro và coi quản trị rủi ro là vấn đề ưu tiên trong quá trình thiết kế hệ thống KS, KTNB của DN.

THÀNH ĐỨC