Bắc Kạn: Nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 29/11/2020

(BKTO)- Năm 2019, tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn âm. Năm 2020, tính đến tháng 10, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cũng chưa đạt so với kế hoạch; thậm chí, số người tham gia BHXH bắt buộc đang có chiều hướng giảm mạnh.


                
   

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tại Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn

   
Thời gian qua, tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác triển khai các nghị quyết liên quan đến BHXH. Trong đó, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, công tác giải quyết chế độ BHXH và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được cơ quan BHXH tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ, an toàn và đúng quy định. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT ngày càng được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi giao dịch, làm việc với cơ quan BHXH...

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đến thời điểm tháng 10/2020 chưa đạt so với Kế hoạch; đặc biệt số người tham gia BHXH bắt buộc giảm mạnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tốc độ phát triển tham gia BHXH bắt buộc của năm năm 2019 là 23.002 người, năm 2020 chỉ có 22.494 người (âm 2,2%); tốc độ tham gia BHTN của năm 2019 là 16.780 người, năm 2020 là 16.472 (âm 1,8%).

Chia sẻ về thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do chủ trương giảm biên chế, sáp nhập, giải thể đơn vị, sáp nhập địa bàn hành chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể; một số trường học chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên do hết năm học; cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ không chuyên trách cấp xã giảm theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu.

Hơn nữa, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm đến trên 80%, phát triển công nghiệp còn hạn chế, các DN ngoài quốc doanh trên địa bàn phát triển chậm, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ, sử dụng ít lao động; đời sống người dân còn nghèo; giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, sống phân tán … dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, nhất là công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và chi trả chế độ BHXH.

Đặc biệt, hiện nay mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia. Bên cạnh đó, để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH, khiến người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện. Đây cũng là khó khăn trong việc vận động, phát triển đối tượng.
Năm 2021, Bắc Kạn vẫn đặt chỉ tiêu, toàn tỉnh có 24.000 người tham gia BHXH bắt buộc; 8.500 người tham gia BHXH tự nguyện; 16.500 người tham gia BHTN. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 95,1%; tỷ lệ tham gia BHTN đạt 94,6%.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu giao theo Nghị quyết số 125 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và Nghị Quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, vì hiện nay mức hỗ trợ (hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác tham gia BHXH tự nguyện) còn thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng giảm dần điều kiện thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu cho người lao động.

BẢO TRÂN