Chung tay cải thiện môi trường không khí

Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 13/04/2017

(BKTO) - Ô nhiễm không khí được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, chất lượng không khí ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội đang trong tình trạng báo động.



Lưu lượng tham gia giao thông quá lớn cũng gây ô nhiễm không khí nặng nề. Ảnh: TK
Ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí lên tới 600.000 trường hợp, cao hơn cả tử vong vì sốt rét và HIV/AIDS cộng lại. Con số này đủ cho thấy sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí đến cuộc sống của con người.

Với 4,6 triệu xe máy, 400.000 ô tô và hàng trăm nhà máy, khu chế xuất, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang nằm trong top đầu các thành phố trên thế giới phải đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí. Theo Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố, chỉ số AQI (chỉ số thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) trung bình của Hà Nội là 121 (AQI từ 101-200 thuộc nhóm kém, những người nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài). Trong đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 (một chất ô nhiễm nguy hiểm) của Hà Nội là 50,5 Mg/m3, cao gấp đôi so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và gấp năm lần so với ngưỡng trung bình theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo QCVN về chất lượng không khí, năm 2016, Hà Nội có 123 ngày ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, nếu theo tiêu chuẩn của WHO, năm 2016, Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí.

Còn theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại các trục đường giao thông ở Hà Nội trong giai đoạn 2011-2014 và 2015-2016 thì tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen (chất có thể gây ung thư) vượt QCVN từ 1,2-1,5 lần. Cùng với đó, độ ồn tại đa số các vị trí quan trắc cũng đều vượt QCVN. Nổi cộm là khu vực các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm với các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao như bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, bến xe Giáp Bát...

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc lồng ghép các vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa được quan tâm, chú trọng; tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Cùng với đó, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, một số phương tiện tham gia giao thông quá cũ, hết niên hạn sử dụng…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - cho rằng: Hà Nội hiện thiếu công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chồng chéo và nhiều bất cập; thiếu các cơ chế, chính sách về môi trường đặc thù từ cấp Trung ương đến địa phương; hệ thống quan trắc chưa đồng bộ. Thêm nữa, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý...

Nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường không khí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương cho rằng, cần nâng cao ý thức của người dân và sự tham gia của các tổ chức kinh tế trong việc bảo vệ môi trường không khí, nếu chỉ có mình cơ quan chức năng xoay xở thì khó thay đổi được tình hình.

Cùng với đó, GS.TS Nghiêm Trọng Dũng (Viện Khoa học và Công nghệ môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) còn khuyến nghị nên chữa căn nguyên chứ không chữa triệu chứng. Cụ thể hơn, để giám sát chất lượng không khí xung quanh (AQM) trên thế giới, cơ quan nhà nước phải khu biệt, tập trung vào nguồn thải và chất gây ô nhiễm chính để xử lý, các vấn đề còn lại phải có sự tiếp sức của cộng đồng. Chúng ta cần mở rộng khung pháp lý về AQM, bao gồm các bên liên quan như: công cụ kinh tế, nhu cầu và quy hoạch giao thông, lồng ghép AQM vào quy hoạch sử dụng đất, thắt chặt tiêu chí - quy chuẩn về nguyên liệu, phương tiện giao thông, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và triển khai những trạm quan trắc cố định; kiểm soát chặt về các biện pháp bảo vệ môi trường, che chắn, giảm bụi, khí thải tại các công trường thi công xây dựng, đặc biệt là khu vực nội thành. Cơ quan này cũng sẽ xử phạt đối với các hành vi vi phạm; quy hoạch tập kết các cơ sở sản xuất, giám sát các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn và phải đặt các trạm quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu về Sở để theo dõi...

HOÀNG LONG