Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp hữu cơ

Đầu tư - Ngày đăng : 09:15, 13/04/2017

(BKTO) - Phát triển nông nghiệp hữu cơ là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa hoàn thiện đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện tại địa phương. Trước thực tế đó, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.



Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: TK
Sản xuất hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn

Quảng Ninh là tỉnh có ngành du lịch phát triển mạnh nên nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất lớn. Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Tính đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh có Công ty Cổ phần Terranique đã tiệm cận được với quy trình sản xuất rau hữu cơ. Công ty đã triển khai quy trình sản xuất rau hữu cơ tại xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ với diện tích 2,5 hecta, tổng kinh phí 8 tỷ đồng. Các sản phẩm trồng trọt của công ty chủ yếu là rau xanh, dưa chuột, cà chua, củ cải, đậu các loại, năng suất bình quân đạt 40 kg/sào, sản lượng đạt trên 2.200 kg/vụ. Sản phẩm được tiêu thụ tại một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, đến nay Công ty chỉ còn hoạt động cầm chừng.

Khả quan hơn Quảng Ninh, Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn nhất cả nước với 448 hecta nho, táo, rau. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đại diện Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho rằng, rào cản lớn nhất trong việc mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ là kinh phí cấp chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn cao so với chi phí sản xuất của nông hộ; thiếu sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; chưa quy hoạch được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ…

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta năm 2015 đạt hơn 76 nghìn hecta, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. Dù vậy, nông nghiệp hữu cơ vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ. Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ chưa được đảm bảo…

Tháo gỡ các nút thắt

Việt Nam là nước có diện tích đất canh tác trên đầu người thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới, trong khi dân số lại tăng nhanh. Do vậy, mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng lúc này là cần quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng. Khuyến khích DN đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng cần hướng đến thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng kiến nghị Chính phủ: Giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng và cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới; Giao Bộ NN&PTNT xây dựng hành lang pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng, có chỗ đứng tại thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường Quản lý Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, trước đây Bộ đã ban hành TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Đây là bộ tiêu chuẩn khung, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế nhưng quá trình phổ biến vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này để ngôn ngữ, văn phong dễ tiếp cận với người dùng. Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn tiêu chuẩn thực hành hữu cơ. Phát triển hệ thống chứng nhận quốc gia, minh bạch, thống nhất.

PHÙNG NGUYÊN