Cắt giảm bảo lãnh chính phủ để kiềm chế nợ công

Đối nội - Ngày đăng : 17:45, 04/05/2017

(BKTO) - Đã hơn mộtnăm, Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn cùng với nhiều thử thách và trọngtrách phải gánh vác. Một trong những trọng trách ấy là nợ công đang ở mức sáttrần cho phép (64,7% GDP). Để kiềm chế nợ công, Chính phủ đã xây dựng và thựchiện nhiều giải pháp, trong đó có chủ trương cắt giảm mạnh bảo lãnh chính phủ(BLCP).



Dự án Xi măng Hạ Long có dư nợ gần 38 triệu Euro. Ảnh: TL

Quy định mới về cấp BLCP

Chủ trương trên được thể hiện trong Chương trình Quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội phê duyệt Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Chương trình Quản lý nợ trung hạn yêu cầu cắt giảm mạnh BLCP theo hướng: khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm để ổn định dư nợ đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hằng năm là 1 tỷ USD/năm đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp BLCP và đang giải ngân. Bên cạnh đó, Chính phủ còn quyết định tạm

dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh để xây dựng hạn mức cấp BLCP giai đoạn 2016-2020 và hằng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.

Trước đó, nhằm giảm tỷ trọng nợ được Chính phủ bảo lãnh trong nợ công, đồng thời khuyến khích các DN tiếp cận các nguồn vốn khác thay vì BLCP, ngày 16/01/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý BLCP (Nghị định 04), thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011, với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định về mức BLCP. Theo đó, mức BLCP đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống không vượt quá 70%. Tùy theo từng chương trình, dự án, mức BLCP được áp dụng tối đa 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và tối đa 50% đối với các dự án khác.

Ngoài ra, Nghị định 04 còn quy định rõ giá trị tài sản thế chấp phải đạt mức tối thiểu 120% trị giá gốc của khoản vay,

khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Mức phí bảo lãnh cũng được điều chỉnh tăng từ mức tối thiểu 1,5%/năm lên 2%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh. Hệ số năng lực tài chính của DN cũng được xem xét để tính phí bảo lãnh.

Cắt giảm BLCP là biện pháp cấp thiết

Những quy định mới trên xuất phát từ thực tế công tác cấp và quản lý BLCP còn nhiều bất cập trong thời gian qua. Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2016, nợ được Chính phủ bảo lãnh ở vào khoảng trên 10% GDP, làm gia tăng đáng kể tỷ lệ nợ công. Trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và khó khăn trong nước, một số dự án của các DN nhận vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải áp dụng các biện pháp cơ cấu tài chính, gia hạn nợ, khoanh nợ, chuyển sang đầu tư vốn nhà nước hoặc Quỹ tích lũy phải ứng ra cho vay để trả nợ. Thậm chí, một số dự án phát sinh rủi ro cao còn không trả được nợ và Chính phủ phải trả nợ thay. Thực trạng này chủ yếu tập trung vào các ngành như: xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, thủy điện, giấy, nông - lâm - ngư nghiệp, chế biến chế tạo, thép, hóa chất...

Những bất cập, hạn chế trên đã được thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán Chuyên đề Công tác quản lý nợ công năm 2014 của KTNN. Cụ thể, một số dự án được BLCP còn rủi ro, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ; điển hình là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long, Dự án Nhà máy Thủy điện Bắc Mê của Tổng công ty Cổ phần Thương mại xây dựng. Nhiều khoản vay bằng ngoại tệ với lãi suất thả nổi nhưng các DN chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Đến ngày 31/12/2014, có tới 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh chưa được thế chấp tài sản trong điều kiện pháp luật về giao dịch đảm bảo đã được ban hành đầy đủ. Đáng lưu ý, nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, gây khó khăn trong việc trả nợ, tạo áp lực trả nợ lớn, làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ của NSNN và dư nợ công. Minh chứng là, 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số dư tương đương 4.703 tỷ đồng (tính đến 31/12/2014).

Trong số đó, Nhà máy Giấy Phương Nam còn phải trả Quỹ tích lũy 52,7 triệu Euro, quá hạn 33,2 triệu Euro, có nguy cơ hoàn toàn mất khả năng trả nợ; Dự án Xi măng Hạ Long có dư nợ 37,9 triệu Euro, quá hạn 7,8 triệu Euro; Dự án Thủy điện Xekaman 3 có dư nợ 17,5 triệu USD, quá hạn 14,5 triệu USD…

Những bất cập trên cho thấy, cắt giảm mạnh BLCP là biện pháp cấp thiết. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác cấp và quản lý BLCP; tăng cường giám sát, quản lý rủi ro đối với hoạt động này; từ đó đẩy mạnh quản lý nợ công để đảm bảo an toàn và bền vững cho nền tài chính quốc gia.

NGỌC MAI