Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 18/11/2020

(BKTO) - Trong điều kiện NSNN khó khăn, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục bất cập, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020, huy động đủ nguồn lực thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.



Việc thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, vùng khó khăn Ảnh: V.Tuân
Khắc phục chồng chéo, đảm bảo nguồn lực đầu tư

Trên cơ sở các nguyên tắc lựa chọn chặt chẽ, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất 3 CTMTQG gồm: CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030; CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; CTMTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nhấn mạnh quyết tâm thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn tới của Chính phủ là cần thiết, tạo cơ hội cho vùng đồng bào DTTS có cơ hội vươn lên thoát nghèo từ các dự án đầu tư, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đề xuất nhằm khắc phục những bất cập trong thực hiện các chương trình thời gian qua. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị, bên cạnh CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và CTMTQG Giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 để có sự chuyển tiếp phù hợp. Trong đó, cần rà soát kỹ các mục tiêu, đối tượng, địa bàn thực hiện, các hợp phần dự án, tiểu dự án để đảm bảo không có sự chồng lấn chính sách giữa các chương trình. “Trước khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư, đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể 21 chương trình mục tiêu đang thực hiện vì có một số nội dung trùng lặp với nội dung CTMTQG giai đoạn tới. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bố trí đủ nguồn lực thực hiện các CTMTQG ngay từ đầu giai đoạn” - đại biểu Phương đề nghị.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) và một số đại biểu kiến nghị, cần ban hành quy chuẩn nghèo phù hợp để xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng xác định tiêu chí hộ nghèo đa chiều không rõ ràng nhằm đảm bảo cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững. Đồng thời, rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện các hợp phần dự án, tiểu dự án của các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; đảm bảo tính tập trung trong phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm làm động lực phát triển, tránh đầu tư trùng lặp hoặc bỏ sót các đối tượng thụ hưởng; rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính bao cấp, tránh tư tưởng ỷ lại…

Giải quyết căn cơ những khó khăn của vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Đồng tình với những đề xuất, giải pháp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi Đỗ Văn Chiến cho biết, trong điều kiện ngân sách khó khăn, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành 104.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (NSTƯ) để đầu tư cho vùng DTTS&MN là một sự quan tâm đặc biệt. Để triển khai Chương trình, với vai trò là cơ quan thường trực, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành xây dựng 3 tiêu chí: phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển; phân định nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và nhóm DTTS có khó khăn đặc thù trình Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội, thông báo công khai nguồn vốn đến từng tỉnh. “Khi thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình này sẽ giải quyết căn cơ những khó khăn, chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước. Chúng tôi hứa sẽ thực hiện nghiêm túc và cầu thị nhất để CTMTQG đạt được kết quả mong muốn” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết.

Về việc phân bổ nguồn vốn NSTƯ hỗ trợ thực hiện các chương trình, Chính phủ xác định nguyên tắc, nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đảm bảo có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 3 chương trình trên một địa bàn. Hằng năm, T.Ư phân bổ theo tổng mức vốn và giao HĐND cùng cấp quyết định phân bổ chi tiết nguồn vốn để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép được trích lập 10% dự phòng vốn nguồn NSTƯ trên tổng nguồn vốn được Quốc hội phê duyệt theo từng chương trình để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho những đối tượng mới; các đề án, nhiệm vụ đặc thù, cấp bách phát sinh trong quá trình thực hiện; bổ sung, khuyến khích cho những địa phương đạt kết quả cao trong thực hiện các CTMTQG. Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, quản lý và giám sát ở cấp cơ cở, đặc biệt là cấp cơ sở ở vùng đồng bào DTTS&MN, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn lực NSNN hằng năm của các CTMTQG không sử dụng hết theo niên độ NSNN; nguồn thu hồi theo kết luận của KTNN để bổ sung nguồn lực cho những địa phương đạt kết quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình.

N.HỒNG