Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:05, 16/04/2015

(BKTO) - Sau năm đầu tiên (2014) triển khai Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 của KTNN vừa qua, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) đánh giá: Quy chế đã tạo cơ sở để công tác KSCLKT thống nhất, chặt chẽ và toàn diện theo sát mỗi bước công việc kiểm toán, đảm bảo về nguyên tắc theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế.



KTNN sẽ chú trọng kiểm soát các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kiểm toán tổng hợp ngân sách địa phương và các cuộc kiểm toán chuyên đề. Ảnh: T.S

Góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành KTNN

Nhằm triển khai thực hiện Mục đích chiến lược số 5 “Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán” trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn công tác KSCLKT, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 40-KSCLKT, năm 2014, KTNN đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện trong toàn ngành Quy chế KSCLKT. Đây là lần đầu tiên, KTNN ban hành một Quy chế điều chỉnh toàn diện hoạt động KSCLKT xuyên suốt 3 giai đoạn của quy trình kiểm toán: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi Báo cáo kiểm toán, với 5 cấp độ kiểm soát: kiểm toán viên (KTV), Tổ trưởng tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (với sự tham mưu, giúp việc của Phòng Tổng hợp, Tổ KSCLKT) và lãnh đạo KTNN (với sự tham mưu, giúp việc của các Vụ tham mưu).

Qua đó, cách thức KSCLKT được chuyển từ “kiểm soát sau” sang “kiểm soát đồng thời”, theo sát từng bước công việc và đồng hành với KTV, Đoàn kiểm toán ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đến lập và gửi Báo cáo kiểm toán, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi phát hành báo cáo kiểm toán. Việc thực hiện “kiểm soát đồng thời” với quá trình kiểm toán đã phát huy tác dụng kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý những hạn chế, tồn tại ngay trong từng bước công việc kiểm toán, góp phần giảm thiểu rủi ro kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán, nâng cao tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.

Chia sẻ những tác động cụ thể của công tác KSCLKT đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán, đại diện của Vụ CĐ&KSCLKT cho biết: Công tác KSCLKT góp phần nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán và kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán; thúc đẩy việc thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, điều chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán; đảm bảo cho kết quả, kết luận kiểm toán đúng đắn, trung thực, khách quan, kiến nghị kiểm toán có đủ cơ sở pháp lý, khả thi và xác đáng; bảo đảm cho Báo cáo kiểm toán tổng hợp đầy đủ kết quả kiểm toán của KTV; nâng cao tính minh bạch trong xử lý kết quả kiểm toán; bảo đảm tính thống nhất trong xử lý kết quả kiểm toán. Bên cạnh đó, báo cáo KSCLKT là sự xác nhận và bảo đảm cuộc kiểm toán đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật, hệ thống Chuẩn mực kiểm toán và các quy định chuyên môn của KTNN; xác nhận và bảo đảm hồ sơ kiểm toán đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện để xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán. Đồng thời, KSCLKT thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, góp phần giữ vững kỷ luật công chức, công vụ và đạo đức nghề nghiệp của KTV.

Tăng cường hiệu quả KSCLKT

Nhìn chung, công tác KSCLKT trong toàn ngành năm 2014 đã tuân thủ Quy chế KSCLKT, có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các đơn vị, các Đoàn kiểm toán và KTV về vai trò và chức năng của KSCLKT, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của KTV, từ đó thúc đẩy việc thực hiện công tác KSCLKT trong từng đơn vị, từng Đoàn kiểm toán và Tổ kiểm toán đi vào nề nếp và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo tổng kết của Vụ CĐ&KSCLKT sau năm đầu tiên thực hiện Quy chế cũng còn một số yếu tố tác động làm giảm hiệu quả hoạt động KSCLKT. Thứ nhất là do yếu tố nhân sự làm công tác kiểm soát chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai, thời gian dành cho kiểm soát đối với hầu hết các cuộc kiểm toán chưa đảm bảo theo quy định. Thứ ba, một số Tổ kiểm soát chưa đi sâu kiểm tra thường xuyên kế hoạch kiểm toán chi tiết, nhật ký kiểm toán, nên chưa kịp thời phát hiện các hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch kiểm toán, việc thực hiện nhiệm vụ của KTV. Thứ tư, một số Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán chưa quan tâm, xử lý thấu đáo những hạn chế trong thực hiện kế hoạch kiểm toán, đã được các Tổ kiểm soát phát hiện và trao đổi, nên việc tiếp thu và sử dụng kết quả kiểm soát chưa cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN năm 2015 đã được xác định là đảm bảo kiểm soát toàn diện các cuộc kiểm toán trên cơ sở thực hiện nghiêm KSCLKT, phối hợp chặt chẽ và thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ kiểm soát. KTNN sẽ chú trọng kiểm soát các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kiểm toán tổng hợp ngân sách địa phương, các cuộc kiểm toán chuyên đề. Đồng thời tăng cường kỷ luật, trách nhiệm và nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và chất lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực, cũng như đề cao và gắn trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán trong KSCLKT.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động KSCLKT, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho KTV, trong đó coi trọng nghiệp vụ KSCLKT; bố trí luân phiên, luân chuyển KVT thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ KSCLKT; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Quy chế KSCLKT, trong đó phân định, xác định rõ nội dung, phạm vi trách nhiệm trong hoạt động KSCLKT của từng cấp.

QUỲNH ANH