Nỗ lực, chung tay xây dựng Chính phủ số

Kinh tế - Ngày đăng : 08:15, 05/10/2020

(BKTO) - Theo Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2020 vừa công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN, thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số, cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu đều phải nỗ lực, chung tay.


Năm 2020, chỉ số phát triểnChính phủ điện tử củaViệt Nam tăng 2 bậc

Thời gian qua, các nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam đã được ghi nhận tích cực. Theo Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử của LHQ, Việt Nam tăng 13 bậc tính từ năm 2016 đến nay. Năm 2020, Việt Nam tăng hạng 2 bậc, xếp thứ 86/193 quốc gia, thứ 23/47 khu vực châu Á, thứ 6/11 quốc gia khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông tăng 31 bậc. TP. HCM là địa phương duy nhất của Việt Nam có trong danh sách xếp hạng Chỉ số dịch vụ công trực tuyến địa phương với vị trí thứ 42/100 thành phố.

Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong nước, tính đến tháng 9/2020, toàn quốc có 19,1% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2020 đạt tối thiểu 30%). Trong đó, 9 Bộ, ngành T.Ư và 15 tỉnh, thành phố đã cung cấp trên 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ - cho biết, giai đoạn 2018-2020, nhiều hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử đã được xây dựng và triển khai. Điển hình, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh. Việc này tạo bước chuyển lớn trong giải quyết các mối quan hệ giữa Chính phủ với với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân, Chính phủ với DN.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions Phạm Anh Đức cho rằng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc một số luật, nghị định chưa kịp thời và song hành với quá trình thay đổi về công nghệ. Chẳng hạn, việc cấp phát tần số cho 4G để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân nhưng tần số cấp không kịp thời. Hay, liên quan đến những quy định pháp luật để DN có thể phối hợp với các Bộ, ban, ngành trong triển khai các dịch vụ và chia sẻ dựa trên giá trị làm lợi cho người dân và cơ quan chính quyền là chưa rõ ràng. Đáng lưu ý, tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov) lần thứ 15 vừa tổ chức, nhiều đại biểu còn cho rằng, vấn đề chi cho số hóa chưa được chính thức, còn phải “đội lốt” các nguồn chi khác. Nếu như các nước phát triển chi 2 - 3% ngân sách quốc gia cho công nghệ thông tin thì hiện tại, Việt Nam chỉ dành khoảng 0,2%.

Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng dữ liệu, hạ tầng và Luật về Chính phủ số

Năm 2020, lần đầu tiên LHQ sử dụng thuật ngữ Chính phủ số trong Báo cáo Xếp hạng Chính phủ điện tử của 193 quốc gia thành viên. Điều này phản ánh xu thế dịch chuyển của các quốc gia trên thế giới từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Đây là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ, từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và DN. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp; đó là Chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Tại Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ số đã được nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho các cơ quan đảng, nhà nước; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Cụ thể hóa chủ trương này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Song song với đó, Bộ đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 nền tảng cho xây dựng Kiến trúc tổng thể quốc gia, đồng thời hướng dẫn xây dựng kiến trúc tại các Bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Trương Gia Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, để phát triển Chính phủ điện tử từ cấp Bộ, ngành đến các cục, vụ, từ T.Ư đến địa phương, quan trọng nhất phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách TTHC, cắt giảm thủ tục, quan tâm chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến thay vì chạy theo số lượng, tạo thuận lợi cho người dân. Muốn vậy, phải truyền thông để người dân biết, tạo dựng niềm tin cho họ về sự nỗ lực của Nhà nước trong phát triển Chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.

Từ thực tiễn quá trình chuyển đổi số của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức chia sẻ, chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó, ngoài việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là nhiệm vụ thiết yếu. Bởi lẽ, dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị.

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, để xây dựng Chính phủ số, phải thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy của người lãnh đạo; đồng thời tập trung xây dựng dữ liệu, hạ tầng nền tảng và xây dựng thể chế cho Chính phủ số; xây dựng Luật về Chính phủ số, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.

H.NHUNG