Đổi mới cơ chế phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu

Đầu tư - Ngày đăng : 07:30, 20/08/2015

(BKTO) - Nhằm khắc phụcnhững bất cập trong việc sử dụng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốcgia và chương trình mục tiêu (sau đây gọi chung là chương trình), dự kiến kếhoạch phân bổ vốn đầu tư từ NSNN cho các chương trình giai đoạn 2016-2020 củaChính phủ đã có nhiều đổi mới theo hướng cắt giảm số lượng chương trình; điềuchỉnh cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ vốn nhằm sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tăng cườngtính chủ động của địa phương.



Từ nay, các dự án quy mô nhỏ, các địa phương sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý để thực hiện. Ảnh: T.S
Bố trí vốn dàn trải, phân bổ bất hợp lý

Chủ trương này được đặt ra trong bối cảnh, việc thực hiện các chương trình thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đánh giá của Chính phủ về việc thực hiện các chương trình giai đoạn 2011- 2015 cho thấy, số lượng các chương trình nhiều, mục tiêu của các chương trình quá rộng, nhiều chương trình trùng lắp, vượt quá khả năng cân đối vốn; danh mục dự án nhiều, nhỏ lẻ, phân tán.

Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ, phân bổ vốn chưa hợp lý, chia cắt theo từng chương trình, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc lồng ghép nguồn vốn, tập trung nguồn lực đầu tư, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng phân bổ vốn theo cơ chế chia điểm chưa hợp lý; không tập trung đầu tư các dự án lớn, có tính chất liên vùng, công trình gắn kết. Đáng lưu ý, hầu hết các chương trình đều yêu cầu địa phương phải bố trí một tỷ lệ vốn đối ứng nhất định từ ngân sách địa phương nhưng việc thực hiện quy định này chưa nghiêm. Ở một số nơi còn tình trạng địa phương ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, phê duyệt quá nhiều dự án hoặc điều chỉnh tăng quy mô vốn của dự án trong danh mục được hỗ trợ, không tính đến khả năng cân đối vốn, làm kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của địa phương

Để khắc phục những bất cập trên, theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách Trung ương (NSTW) cho các chương trình giai đoạn 2016-2020 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì số lượng chương trình sẽ được điều chỉnh giảm. Dự kiến, Chính phủ đề nghị phân bổ vốn đầu tư từ NSTW cho 21 chương trình trong giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2011-2015 là 29 chương trình).
Đặc biệt, các nguyên tắc phân bổ vốn chương trình giai đoạn 2016-2020 có nhiều điểm đổi mới về cơ chế hỗ trợ và mức hỗ trợ vốn NSTW cho các dự án do địa phương quản lý.

Theo đó, vốn NSTW hỗ trợ tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các dự án hạ tầng có tính liên tỉnh, liên vùng có quy mô từ nhóm B trở lên; đối với các dự án quy mô nhỏ, các địa phương sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý để thực hiện. Về mức hỗ trợ, đối với các dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 trong danh mục được Trung ương hỗ trợ thì sẽ bố trí 100% vốn NSTW. Riêng đối với các dự án dở dang tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc hỗ trợ vốn giai đoạn 2011-2015 cho đến khi hoàn thành dự án, không áp dụng theo quy mô nhóm B và tỷ lệ hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư.

Đối với từng chương trình, quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng đầu tư, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trên cơ sở mục tiêu của chương trình và khả năng cân đối của nguồn vốn NSTW. Riêng đối với Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án có tác động lan tỏa lớn, phát huy hiệu quả đồng bộ các công trình, dự án cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng; không áp dụng cơ chế tính điểm cho chương trình này như trong giai đoạn 2011-2015.

Đồng tình với phương án của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quy định NSTW bố trí 100% vốn cho các dự án nhóm B trở lên được hỗ trợ là quy định mới, có ý nghĩa tích cực, vừa bảo đảm bố trí vốn tập trung, hiệu quả, tránh tình trạng địa phương mở rộng quy mô dự án và tăng tổng mức đầu tư để tăng phần hỗ trợ từ NSTW; vừa bảo đảm sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc bố trí, cân đối nguồn lực tài chính của địa phương. Quy định này cũng giúp tập trung nguồn lực hỗ trợ của NSTW để xử lý kịp thời các dự án hỗ trợ cho địa phương đúng tiến độ.

Tuy nhiên, từ góc độ của cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Hiển đề nghị, cần quy định rõ nguyên tắc NSTW chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện. Trong việc phân bổ vốn các chương trình cần xem xét, bổ sung thêm nguyên tắc để bảo đảm quy định: tổng vốn hỗ trợ cho tất cả các dự án của NSTW cho địa phương hàng năm không quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW để phù hợp với Luật NSNN năm 2015. Đối với danh mục các chương trình, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt giảm những chương trình hỗ trợ có mục tiêu nhưng có nội dung, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chi của Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới.
NGUYỄN HỒNG