NAO Estonia cảnh báo thâm hụt ngân sách Chính phủ

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 14:45, 08/06/2020

(BKTO) - Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Estonia (NAO Estonia) mới đây đã lên tiếng chỉ trích về những lỗ hổng trong chi dùng ngân sách công của Chính phủ Estonia. Theo đó, NAO lên tiếng cảnh báo về khả năng ứng phó của Chính phủ nước này trước sự tấn công của đại dịch trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn như hiện nay.



Tổng Kiểm toán Nhà nước Estonia Janar Holm phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: ST

Đại dịch làm lộ ra lỗ hổngtài chính bấy lâu nay

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Estonia - ông Janar Holm, tình hình suy thoái hiện nay cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự bền vững của nền tài chính công, cũng như sự cần thiết của các khoản dự phòng dài hơi trong trường hợp xảy ra đại dịch. Báo cáo của NAO nhận định, chính sách tài khóa của Estonia đã mất cân bằng ngay từ trước khi xảy ra khủng hoảng do Covid-19. Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019, Chính phủ T.Ư đã chi dùng vượt mức hàng trăm triệu Euro so với dự kiến (208 triệu Euro trong năm 2018 và 220 triệu Euro trong năm 2019).

Báo cáo cho hay, trong những năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Estonia, khi doanh thu thuế tăng trung bình 9% mỗi năm, thì thu vẫn chưa đủ để trang trải các khoản chi. Bội chi ngân sách tăng dần, dự phòng giảm dần và Chính phủ Estonia thường trì hoãn các quyết định về việc có nên tăng chi hay không.

Trong quá trình kiểm toán, NAO gặp khó khăn trong việc đánh giá các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt được tích lũy trong kho bạc nhà nước và việc sử dụng các khoản trợ cấp từ Liên minh châu Âu (EU). NAO cho biết, những dự báo dựa trên thực tế và việc giám sát liên tục các khoản thu chi NSNN đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách ngân sách hợp lý, từ đó có ảnh hưởng lâu dài đến sự thịnh vượng của Nhà nước, người dân và DN.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Janar Holm cho rằng: “Mặc dù các khoản ngân quỹ đã sụt giảm nhanh chóng trong những năm qua, chúng ta cũng nên lạc quan rằng Chính phủ T.Ư vẫn còn lại một số khoản dự phòng từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và đại dịch đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của một chính sách tài khóa có tính kỷ luật cao hơn trong những năm tới”.

Tăng cường vai trò của Ủy ban Tài chính công

NAO cho rằng, Ủy ban Tài chính công Estonia cần được trao một vai trò lớn hơn trong giám sát việc tuân thủ các quy tắc ngân sách và tài khóa, từ đó hướng Chính phủ quan tâm hơn tới những rủi ro liên quan đến kế hoạch thu chi của Nhà nước. Theo NAO, những quan điểm chỉ trích của Ủy ban này cho đến nay vẫn chưa nhận được sự chú ý một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, NAO cũng khuyến nghị cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa Bộ Tài chính Estonia và các cơ quan, Bộ, ngành khác. Theo NAO, Bộ Tài chính cần thống nhất với các Bộ, ngành khác về cách thức đảm bảo thông tin đáng tin cậy liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống nhằm giảm thiểu rủi ro khi lập dự báo tài chính nhà nước.

Về cơ cấu ngân sách hằng năm, NAO khuyến nghị Bộ Tài chính cần phối hợp cùng các Bộ, ngành trong việc phân tích, giám sát liên tục về tình hình chi tiêu NSNN trong năm tài chính. NAO cũng cho rằng, cần thường xuyên lấy ý kiến ​​và đề xuất về công tác giám sát, tổ chức việc lập dự báo thu chi NSNN từ cơ quan kiểm toán quốc gia, Ủy ban Tài chính công và Ngân hàng Nhà nước Estonia.

Từ năm 2011, Estonia đã chính thức trở thành thành viên thứ 17 của khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên của khối này đang lao đao vì nợ công và thâm hụt ngân sách. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hồi năm 2008, ngân sách Estonia đã từng bị giảm đáng kể và Chính phủ nước này đã tiến hành cải cách cơ cấu, từ đó giảm mức thâm hụt ngân sách trong năm 2009 xuống còn 3,7 tỷ Kron (khoảng 237 triệu Euro). Mức thâm hụt này tương đương 1,7% GDP, đáp ứng tiêu chuẩn để gia nhập khu vực đồng Euro là thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. Nếu không có những biện pháp thắt chặt ngân sách kịp thời, NAO cảnh báo tình trạng thâm hụt sẽ trở nên tồi tệ hơn và tác động xấu tới mọi mặt của xã hội.

NGỌC QUỲNH