Đổi mới phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 12/05/2020

(BKTO) - Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là yêu cầu cấp thiết nhằm đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.



Việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: MinhHoàn

Tạo môi trường thông suốtcho người lao động

Trình Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Dự án Luật sửa đổi hướng tới hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thông suốt và đồng bộ cho hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án Luật sửa đổi cũng nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của DN trong hoạt động đầu tư kinh doanh; loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho hoạt động của DN; bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan của các nước tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế.

Theo đó, so với Luật hiện hành, Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Dự án cũng đã quy định chi tiết về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc bảo đảm trách nhiệm của DN với người lao động… Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đưa thêm nội dung về ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin về lao động di cư trong quản lý nhà nước.

Nâng cao chất lượng lao độngvà trách nhiệm củadoanh nghiệp

Cho ý kiến về Dự án Luật, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau 13 năm thực thi, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Theo đó, Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Luật cần có chương nâng cao chất lượng lao động và trách nhiệm của DN đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải xem xét, tuyển chọn, không chạy theo số lượng mà đi theo chất lượng, để người đi lao động nước ngoài đem về giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, phải “siết” kỷ luật đối với các tổ chức đưa người ra nước ngoài bằng những quy định hết sức cụ thể.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng kỳ vọng Dự án Luật này sẽ thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động, làm sao để lực lượng này khi hội nhập với thế giới có thể phát huy và được bảo vệ ở các nước mà chúng ta đưa đi lao động, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quay trở về cống hiến cho đất nước.

Nhấn mạnh việc Luật cần đặc biệt quan tâm đến ngành nghề, hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: Trong điều kiện hiện nay, khi công việc lao động giản đơn sẽ dần được robot thay thế, những ngành nghề thâm dụng lao động sẽ dần bớt đi, do đó, việc dạy nghề, đào tạo nghề cũng cần phải lựa chọn, khuyến khích và chuyển từ các công việc giản đơn sang những công việc có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao hơn; cần đào tạo những ngành, nghề, công việc có kỹ năng quản lý. Đồng thời, trong xây dựng Luật cần phải thay đổi cách tiếp cận, phải có thiết chế quy định các chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như các chính sách khi người lao động trở về nước, thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật cũng phải minh bạch, bên cạnh tạo thuận lợi cho DN trong việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc thì cần phải xử lý nghiêm những hành động, hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.

Dự án Luật sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

N.HỒNG