Sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội

Đối nội - Ngày đăng : 17:05, 27/04/2020

(BKTO) - Chiều 27/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.


Tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn phát triển Thủ đô

Theo Tờ trình xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 63 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả, như: công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn TP được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không bảo đảm điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm; ùn tắc giao thông; ngập úng…

Ngày 7/11/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 22-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới, trong đó đã giao: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi một số luật có liên quan và bố trí kinh phí hỗ trợ để thành phố Hà Nội thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo sửa đổi một số Nghị định có liên quan; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù…; tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền cho thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch và các dự án đầu tư, phê duyệt đề án vị trí việc làm”.

Do đó, để khắc phục những hạn chế hiện nay và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63 phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 63 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 và Khung chính sách ngân sách của thời kỳ ổn định ngân sách 2021 - 2025 chưa có. Vì vậy, cần cân nhắc, có thể chưa cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định hiện hành vào thời điểm này.

Về thẩm quyền, căn cứ vào Khoản 2, Điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ đô Hà Nội được thực hiện cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được giao thẩm quyền cho ý kiến về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại và một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác (Khoản, 1 Điều 74 Luật Ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định 63 đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù (một số cơ chế có thời hạn 3 năm, có cơ chế áp dụng dài hạn), đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 63 là phù hợp, tương tự như việc Chính phủ đã xin ý kiến trước đây, khi ban hành Nghị định 63. Điều này sẽ tạo điều kiện để Nghị định sớm được ban hành và thực hiện trong năm 2020.
Toàn cảnh phiên họp
Nội dung vượt quá thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải trình Quốc hội

Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành việc sửa đổi Nghị định 63 nhằm tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển Thủ đô Hà Nội, xứng đáng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Tuy nhiên, với các vấn đề Chính phủ trình vượt quá thẩm quyền nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình ra Quốc hội để ban hành Nghị quyết. Về các nội dung, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội từ 70% lên 90% trên nguyên tắc thành phố phải bảo đảm trả được nợ; nhất trí với chủ trương cho phép UBND thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi an sinh xã hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ cân nhắc một số đề xuất, như: cho phép HĐND thành phố Hà Nội được phép quyết định dự toán chi ngân sách thành phố lĩnh vực giáo dục - đào tạo là 20%, khoa học công nghệ là 2% vì đã có trong một số luật; việc sử dụng nguồn dư tăng thu nhập cho người lao động… Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rà soát, làm lại Tờ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 5; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra để trình Quốc hội.

Theodaibieunhandan.vn