Tầm nhìn chiến lược cho tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Xã hội - Ngày đăng : 10:10, 04/06/2015

(BKTO) - Dựthảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dự kiến được thông qua tại kỳhọp Quốc hội lần này sẽ tạo nên nền tảng pháp lý thống nhất và rõ ràng hơn choviệc quản lý và khai thác lợi thế của một quốc gia biển. Vì ý nghĩa quan trọngnhư vậy đòi hỏi Dự án Luật không thể chỉ là phép cộng của những điều luật, quy địnhnằm rải rác trong các Luật chuyên ngành mà cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn điđôi với đáp ứng đòi hỏi thực tế.



Hiện nay việc quản lý kinh tế biển còn khá chồng chéo dẫn đến hiệu quả khai thác biển vẫn còn hạn chế. Ảnh: T.K
Trong những năm qua, kinh tế biển có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của đất nước, đóng góp gần 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thời gian tới, dự báo kinh tế biển còn đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo được giao cho nhiều bộ, ngành, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Chính vì việc quản lý tài nguyên biển và vùng thềm lục địa bị chia tách nhỏ, mỗi bộ quản lý một lĩnh vực, chồng chéo dẫn đến hiệu quả khai thác biển vẫn còn hạn chế.

Theo đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.Hồ Chí Minh): Với sự ra đời Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quản lý Nhà nước về nuôi trồng khai thác hải sản theo Luật Thủy sản. Bộ Giao thông vận tải vẫn quản lý Nhà nước về cảng biển và dịch vụ hàng hải theo Bộ luật Hàng hải. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý về hoạt động du lịch biển theo Luật Du lịch. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo sẽ là đầu mối phối hợp giữa các Bộ, ngành nhằm giảm thiểu các xung đột và tối ưu hóa lợi ích của từng ngành nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Với mục tiêu như vậy, đại biểu Trang cho rằng Dự thảo Luật vẫn còn thiếu các công cụ để kết nối và điều chỉnh các hành vi của Bộ, ngành trong hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng còn thiếu cơ chế để giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các ngành, các cấp, các vùng với nhau, giữa các cá nhân tổ chức với Nhà nước trong việc khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Làm thế nào để khi ra đời Luật này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể phát hiện và kiến nghị với Chính phủ yêu cầu điều chỉnh khi hoạt động khai thác biển và hải đảo của các ngành làm ảnh hưởng đến tài nguyên của đất nước và gây ô nhiễm môi trường. Đó là cả một vấn đề lớn đặt ra cho Dự thảo Luật, đòi hỏi cần rà soát và bổ sung thêm các quy định cụ thể để đạt được mục đích quản lý tổng hợp đã đề ra.

Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, trong lòng biển chứa tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên khoáng sản như dầu khí, hải sản và đa dạng sinh học, chưa tính đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chiếm hơn 1 triệu km2. Mặc dù Thủ tướng từng khẳng định không thành lập Bộ Kinh tế biển, song tại phiên thảo luận đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (TP. Hà Nội) vẫn đề xuất: Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập một Bộ Kinh tế biển để khai thác quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành lĩnh vực kinh tế này. Ngành kinh tế biển dự báo sẽ đóng góp khoảng 54-55% GDP trong thời gian tới. Do đó, việc thành lập Bộ Kinh tế biển sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam. Một số chuyên gia cũng cho rằng việc thành lập một Bộ chuyên quản về biển để phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích biển quốc gia, nhanh chóng tham gia khai thác vùng biển quốc tế và đại dương để “lấy đại dương nuôi đất liền”, tăng vị thế biển của Việt Nam và làm giàu cho đất nước là việc nên làm.

Trong khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội đồng quan điểm cho rằng Chính phủ phải trực tiếp quản lý các vấn đề về biển, chứ không nên giao cho một Bộ, ngành nào quản lý. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh): Nhìn từ góc độ biển không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia liên quan đến văn hóa, chính trị, tình cảm của người dân với biển, vấn đề biển giao cho một Bộ, ngành thì thực sự rất khó khăn, mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý về biển, sau đó phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương mới đủ tầm và đủ điều kiện cả về vật chất, quyền lực. Chỉ có Chính phủ mới đủ tầm trong điều kiện mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề cập: Vấn đề quan trọng là thi hành nghiêm kỷ luật hành chính để tăng hiệu quả quản lý, chứ thành lập thêm một Bộ nữa mà điều hành không tốt, thiếu trách nhiệm thì càng không tốt - Đại biểu này nhấn mạnh.

HOÀNG LONG