Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Thêm động lực cho phát triển tam nông

Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 23/03/2020

(BKTO) - Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế cho một số đối tượng thêm 5 năm, từ năm 2021 đến hết ngày 31/12/2025. Với đề xuất này, dự kiến mỗi năm, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng.



Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế SDĐNN sẽ tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển tam nông. Ảnh: Thái Anh

Đã hỗ trợ hơn 17.000 tỷ đồngthuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, 20 năm qua, tổng số tiền miễn, giảm thuế SDĐNN đạt khoảng 17.000 tỷ đồng. Chính sách này đã góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ trực tiếp nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp và tăng cường quản lý nhà nước đối với việc SDĐNN…

Cụ thể, giai đoạn 2003-2010, tổng diện tích đất nông nghiệp chịu thuế bình quân là hơn 6,4 triệu ha/năm; tổng số đối tượng phải chịu thuế bình quân là hơn 11 triệu người nộp thuế/năm; tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm bình quân khoảng hơn 6 triệu ha/năm; số đối tượng được miễn, giảm là hơn 10 triệu người nộp thuế/năm; số thuế miễn, giảm bình quân là 3.268,5 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2011-2016, tổng diện tích đất nông nghiệp chịu thuế là hơn 7 triệu ha/năm; tổng số đối tượng phải chịu thuế bình quân hơn 12 triệu người nộp thuế/năm; tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm khoảng hơn 7 triệu ha/năm; tổng số đối tượng được miễn, giảm bình quân là hơn 12 triệu người nộp thuế/năm; tổng số thuế miễn, giảm là 6.308,3 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2017-2018, diện tích miễn thuế, đối tượng chịu thuế và số thuế miễn, giảm đã tăng lên so với các giai đoạn trước; tổng diện tích đất nông nghiệp chịu thuế bình quân là hơn 8 triệu ha/năm; tổng số đối tượng phải chịu thuế bình quân là hơn 12 triệu người nộp thuế/năm; tổng số thuế miễn, giảm bình quân là 7.438,5 tỷ đồng/năm.

Số liệu thống kê còn cho thấy, giai đoạn đầu thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN (2001-2010), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng lên 2 con số. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD, năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001).

Giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN và tiến tới miễn thuế SDĐNN (2011-2018), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD. Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 40,5 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 2001)...

Mặc dù được miễn, giảm thuế SDĐNN nhưng người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế SDĐNN cùng giấy tờ liên quan đến việc xác định miễn, giảm thuế của năm đầu tiên và năm tiếp theo năm hết thời hạn miễn, giảm thuế. Điều này đã góp phần kiểm soát và quản lý việc SDĐNN tới từng xã; kiểm tra được sự biến động và tình hình quản lý, SDĐNN ở từng địa phương, góp phần kiểm soát quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai…

Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

Theo quy định, chính sách thuế SDĐNN hiện hành sẽ áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Bộ Tài chính cho biết, việc miễn thuế SDĐNN trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu NSNN nhưng đây là giải pháp góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có ý nghĩa thiết thực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, việc quy định miễn thuế SDĐNN phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hơn nữa, việc miễn thuế SDĐNN chưa gặp vướng mắc, do vậy, các địa phương cho rằng miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

Để tiếp tục phát huy kết quả của việc miễn thuế SDĐNN, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, dự kiến mỗi năm, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng. Đề xuất này phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích kinh tế trang trại và góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục hỗ trợ, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và vẫn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng sẽ tiếp tục là nguồn lực tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp nông dân cải thiện thu nhập và đời sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

MINH ANH