Phát triển mạnh mẽ bán lẻ đa kênh

Đầu tư - Ngày đăng : 10:10, 15/12/2016

(BKTO) - Những người đứng đầu Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệphội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) vừa đề xuất với Bộ Công Thương cho phép sápnhập hai Hiệp hội để cùng hiện thực hóa mục tiêu của “Kế hoạch tổng thể pháttriển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016-2020” là giá trị bán lẻ hànghóa qua thương mại điện tử (TMĐT) chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tạithị trường Việt Nam, tương đương 10 tỷ USD, vào năm 2020.


Bán lẻ đa kênh là xu hướng tất yếu

Tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia chỉ ra rằng, theo xu hướng phát triển của thế giới, trọng tâm chính cho các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ là bán lẻ đa kênh (Omni-channel). Việc kết nối bán lẻ qua mạng với tại cửa hàng tạo thành bán lẻ đa kênh sẽ giúp DN tích hợp, gắn kết mọi khía cạnh của dịch vụ bán lẻ với khách hàng.

“Loại hình bán lẻ đơn kênh thuần túy - chỉ bán lẻ tại cửa hàng hoặc chỉ bán lẻ trực tuyến - sẽ dần biến mất, mở rộng con đường cho bán lẻ đa kênh để tạo thuận lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà những nhà bán lẻ tiếng tăm như: Amazon - trước chỉ bán lẻ trực tuyến, nay đã có các cửa hàng thực; còn Walmart - trước chỉ bán lẻ tại cửa hàng, nay lại có bán hàng trực tuyến” - TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch AVR chia sẻ.

Vấn đề đang được đặt ra là Việt Nam có nền tảng thuận lợi cho phát triển bán lẻ đa kênh hay không? Theo những nghiên cứu được công bố gần đây nhất, ước tính đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động, đưa Việt Nam trở thành nước có kết nối di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh; 46% người Việt sở hữu máy tính cá nhân. Xu hướng mua bán qua mạng, đặc biệt là qua điện thoại di động, ngày một gia tăng ở Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2020, 70% người tiêu dùng sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng trước khi quyết định mua sắm; 82% người tiêu dùng vào mạng bằng điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM - cho biết, hiện nay, TMĐT tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh, sau khi trải qua giai đoạn hình thành (1997-2005) và giai đoạn phổ cập (2006-2015). Tính đến hết năm 2015, môi trường pháp lý phát triển TMĐT đã khá thuận lợi. Chính phủ đã từng bước xây dựng và ứng dụng Chính phủ điện tử, nhất là trong các lĩnh vực hải quan, thuế, dịch vụ công … Các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh bán lẻ như: Chuyển phát, thanh toán, tiếp thị trực tuyến, đào tạo nhân lực TMĐT cũng đều phát triển. Năm 2016, kinh tế đã qua khỏi khủng hoảng, phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành “Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020”; đồng thời số lượng các DN đang tăng nhanh, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) dự đoán doanh thu TMĐT sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng tỷ lệ bán lẻ qua TMĐT của Việt Nam rất thấp
Ảnh: HOÀNG NGÂN

Nhà bán lẻ hiện đại cần vượt qua nhiều thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mặc dù tốc độ tăng trưởng bán lẻ bình quân 10 năm gần đây đạt trên 10%/năm, nhưng tỷ trọng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tới 80%, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% (trong đó bán lẻ qua TMĐT chỉ chiếm 2,8%, tương đương doanh thu đạt 4 tỷ USD năm 2015). Tỷ trọng doanh thu bán lẻ qua TMĐT của Việt Nam còn rất thấp so với trung bình chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chiếm 12% tổng doanh thu bán lẻ).
Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cũng cho thấy, tỷ trọng doanh thu TMĐT của Việt Nam còn quá nhỏ so với tiềm năng, khi người Việt là những người tiêu dùng “siêu kết nối”; trung bình 131 điện thoại di động/100 người dân - cao hơn cả Đức và Hoa Kỳ; và 48% dân số sử dụng Internet với thời gian truy cập trực tuyến trung bình là 24,7h/tuần.

Nhiều chuyên gia nhận định, tuy TMĐT có thể đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm trong giai đoạn 2016-2020, nhưng quy mô giao dịch chưa cao, số lượng DN tham gia vào TMĐT chưa nhiều. Đơn cử như với Ngày mua sắm trực tuyến 2015 (ngày Thứ sáu đầu tiên của tháng 12) chỉ có 2.000 DN tham gia và Ngày mua sắm trực tuyến 2016 chỉ có 3.000 DN tham gia. “Phát triển TMĐT đồng bộ hiện còn vướng nhiều về thanh toán” - ông Nguyễn Thanh Hưng nêu rõ.

Ông Phạm Thành Công - Quản lý cấp cao, Bộ phận dịch vụ các nhà bán lẻ của Nielsen Việt Nam chia sẻ thêm: Tại Việt Nam vẫn đang có tới 1,3 triệu cửa hàng truyền thống giúp người tiêu dùng có thể nhanh chóng và dễ dàng mua sắm. Hơn nữa, có tới 65 triệu người tiêu dùng Việt Nam đang sinh sống tại khu vực nông thôn, đóng góp 54% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa mỗi năm và họ chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm mới. Vì vậy, các nhà bán lẻ muốn tăng doanh thu bán hàng qua TMĐT cần thỏa mãn những yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách đáp ứng toàn diện cả 4 nhóm: Tiện ích, giá cả, danh mục hàng hóa và trải nghiệm mua sắm. Cụ thể, DN phải có chính sách giao nhận linh hoạt, giao hộ hàng hóa nặng, miễn phí và tiết kiệm thời gian; giá cả cạnh tranh, giá trị tương xứng; hàng hóa đa dạng, độc đáo, khác biệt, chất lượng cao; thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm kiếm…

Trước xu hướng này, ngay tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền rộng rãi đến các DN về kế hoạch triển khai TMĐT đến năm 2020.
HỒNG THOAN