Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Tập trung cho ý kiến về nhiều Dự án Luật quan trọng

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 28/05/2015

(BKTO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, tuần qua Quốc hội đã tập trung thảo luận cho ý kiến đối với nhiều Dự án Luật quan trọng.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tới dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận tại hội trường về các Dự án: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật KTNN (sửa đổi); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cùng với đó, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ đối với các Dự án: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2014 và những tháng đầu năm 2015; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013. Đặc biệt, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra một số Dự án Luật quan trọng như Luật Kế toán (sửa đổi), Luật Thống kê (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Trưng cầu ý dân. Đáng chú ý, tại phiên họp sáng ngày 26/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Phí và lệ phí nhằm thay thế Pháp lệnh Phí và lệ phí, trong đó, Chính phủ đề xuất loại 18 khoản phí khỏi danh mục thu phí cùng với 12 khoản lệ phí khác; 5 khoản phí khác sẽ chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, nhằm thu hút đầu tư cung cấp dịch vụ như viện phí, học phí…

Tiếp đó, tại phiên làm việc sáng ngày 27/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình khóa XIII và năm 2015, đồng thời cho ý kiến về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép người lao động sau 1 năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Các đại biểu cho rằng, không phải sửa Điều 60 vì nguyên tắc có sai mới sửa mà Điều 60 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với Hiến pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung.

Theo một số đại biểu, quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 góp phần thu hẹp dần và hạn chế đối tượng đang tham gia sớm rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội; khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, khắc phục tình trạng Nhà nước phải trợ cấp cho người lao động từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Một số đại biểu đề xuất Chính phủ cần xây dựng một lộ trình để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần…

Cho ý kiến về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, nhiều đại biểu cho rằng, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục; chất lượng của một số Dự án Luật còn hạn chế, tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh vẫn còn nhiều. Một số đại biểu đề nghị đã đến lúc Quốc hội cần xây dựng chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm của các Bộ, ngành, đơn vị chậm trễ trong việc xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Có một sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 23/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đến dự và phát biểu tại phiên họp của Quốc hội. Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ vinh dự và vui mừng được đến thăm Quốc hội và gặp gỡ các đại biểu Quốc hội Việt Nam. Khẳng định, Việt Nam và Liên hợp quốc là các đối tác hết sức tự nhiên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng nêu rõ, mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc cho một thế giới ngày mai. Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai với tư cách là Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhưng mỗi lần đều rất ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam; tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết, tuy không thể tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) được tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 3 năm nay, nhưng ông đánh giá cao việc IPU - 132 đã thảo luận sâu sắc về các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; tin tưởng, các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho dân sẽ biến các cam kết tại Đại hội đồng IPU - 132 thành các hành động cụ thể.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, Việt Nam là nước đi đầu đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, là 1 trong 8 nước đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình của Liên hợp quốc. Điều này cho phép Liên hợp quốc chứng minh với thế giới rằng, Việt Nam đã hoạt động có hiệu quả và đạt được kết quả tốt như thế nào. Cho rằng, Việt Nam đã nhận thức rất rõ ràng và sâu sắc về nhu cầu phải có những hoạt động toàn cầu thiết thực và hiệu quả để đối phó với biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Ban Ki-moon trông đợi sự tham gia đóng góp ý kiến xây dựng của Việt Nam tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) tháng 12 tới; tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước dẫn đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã đề cập đến những nguy cơ to lớn đe dọa hòa bình và an ninh thế giới, những thách thức lớn về nhân đạo và việc Liên hợp quốc hơn bao giờ hết đang kêu gọi các hành động thiết thực phản ứng lại những xu hướng này. Nhấn mạnh, để vượt qua những thách thức này thì cần đoàn kết lại như một gia đình chung của nhân loại, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã thể hiện một cách hoàn hảo tinh thần này và hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
ĐĂNG KHOA