Sớm “gỡ khó” cho Luật Giáo dục nghề nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 07/05/2015

(BKTO) - Thời gian gầnđây, trên báo chí đã diễn ra cuộc tranh luận giữa đại diện của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT)về việc Bộ nào sẽ quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).



Vấn đề dư luận xã hội quan tâm là giải pháp nào để GDNN có thể hoạt động tốt hơn và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn. Ảnh: T.K
Theo Luật GDNN được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, các trường Cao đẳng và Cao đẳng nghề, Trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề sẽ sáp nhập lại. Phải khẳng định rằng, quy định mới này là tiến bộ, góp phần làm giảm bớt sự cồng kềnh của hệ thống GDNN, đồng thời tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí nhưng lại kém hiệu quả lâu nay. Song việc “để ngỏ” cơ quan quản lý Nhà nước đã khiến hai Bộ rơi vào tình thế khó xử, ví như việc cùng soạn thảo một Thông tư. Cụ thể, ngày 10/02, Bộ LĐ-TB&XH đưa lên mạng dự thảo Thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường Cao đẳng, trường Trung cấp, Trung tâm GDNN và phân hiệu của cơ sở GDNN”. Ngày 17/3, Bộ GD&ĐT cũng đưa lên mạng xin ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư với tên gọi tương tự, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc sáp nhập, chia tách, giải thể các trường Cao đẳng.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 30/3, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế, kỹ thuật Việt Nam có công văn gửi Ban Bí thư, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội… kiến nghị xem xét một số vấn đề khi triển khai Luật GDNN. 1 trong 3 kiến nghị của Hiệp hội là cần quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN theo hướng giao cho Bộ GD&ĐT quản lý. Như “lửa thêm dầu” khiến cuộc tranh luận có phần gay gắt hơn khi ngày 06/4, Bộ GD&ĐT đã có Công văn gửi BộLĐ-TB&XH góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật GDNN do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo, trong đó không đồng tình với quy định Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN ở Trung ương khi Chính phủ chưa giao cụ thể cho cơ quan nào.Vậy là, trong khi đại diện của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 5 lý do giao cho Bộ này quản lý GDNN thì ngay lập tức đại diện của Bộ GD&ĐT phản bác lại rằng chưa đủ sức thuyết phục. Cuộc tranh luận còn kéo theo sự “vào cuộc” của các chuyên gia giáo dục.

Đây không phải là lần đầu tiên Luật GDNN “vấp” phải những ý kiến trái chiều. Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị giao Bộ GD&ĐT quản lý GDNN để tránh phình thêm biên chế, nhưng cũng không ít đại biểu cho rằng Bộ LĐ-TB&LĐ quản lý sẽ phù hợp hơn.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Luật GDNN sẽ có hiệu lực thi hành nhưng xem ra những bất đồng quan điểm giữa hai Bộ vẫn chưa được hóa giải. Đã đến lúc, câu chuyện này cần được khép lại bởi điều mà xã hội quan tâm là giải pháp nào để GDNN có thể hoạt động tốt hơn, từ đó chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được nâng cao, đủ sức cạnh tranh khi thị trường lao động khu vực và quốc tế rộng mở. Mong rằng, Chính phủ sẽ sớm đưa ra quyết định đối với vấn đề này, đồng thời hai Bộ cần gác lại những quan điểm riêng để cùng bàn bạc, thống nhất, “gỡ khó” cho Luật GDNN trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

THÀNH ĐỨC