Hướng tới mục tiêu xuất khẩu vaccine

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 07/05/2015

(BKTO) - Từchỗ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại, Việt Nam đãchủ động sản xuất được nhiều loại vaccine. Đặc biệt, mới đây, hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam (NRA) đã được Tổ chức Y tế thế giới(WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng,mở ra cơ hội cho ngành sản xuất vaccine của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trongnước mà còn hướng đến xuất khẩu vaccine trong tương lai gần.



Nghiên cứu sản xuất vaccine cúm tại Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1. Ảnh: T.S
Theo công bố của WHO hồi cuối tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã vượt qua đợt đánh giá công nhận các chức năng NRA một cách xuất sắc. Tất cả các chức năng đều đạt trên 90%, trong đó có 3 chức năng đạt 100%, bình quân cả 6 chức năng NRA đạt 95%. Với kết quả này, trong tháng 6/2015, Trưởng đại diện của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ trao chứng nhận này cho Việt Nam, chính thức công nhận Việt Nam trở thành một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vaccine. Quan trọng hơn, theo đại diện WHO, việc đạt các chức năng NRA sẽ giúp vaccine sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước khác.

Đánh giá về tiềm năng sản xuất vaccine của Việt Nam, bản báo cáo của đoàn đánh giá WHO cũng nhận định, Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn và xếp Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất vaccine chiếm 90% doanh số của toàn cầu. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc đạt được NRA của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, điều này cho thấy hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn chung của quốc tế do WHO quy định. Vaccine sản xuất tại Việt Nam tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế chung của toàn cầu, chất lượng vaccine của Việt Nam đã được khẳng định. Cánh cửa cho việc xuất khẩu vaccine ra quốc tế đã mở.

Để vượt qua được các tiêu chuẩn ngặt nghèo do WHO đưa ra, là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại, đến nay, Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vaccine với trang thiết bị, dây chuyền và công nghệ hiện đại, sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Đó là: Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Công ty TNHH Một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC); Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC).Cả 4 nhà máy đều có đội ngũ cán bộ khoa học có đủ năng lực để nghiên cứu và sản xuất các vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Việt Nam đã sản xuất được 12 loại vaccine, trong đó 10 loại được sử dụng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, giúp tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng do không những giảm nhập khẩu vaccine mà còn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Điển hình như Công ty VABIOTECH đã xuất khẩu hơn 3 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B sang Ấn Độ; vaccine viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông Timo; 32.000 liều vaccine viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine uống phòng tả đã được xuất khẩu đến Srilanka, Philippines, Ấn Độ…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Long, những kết quả trên chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội xuất khẩu sản phẩm của các nhà sản xuất vaccine Việt Nam. Việc xuất khẩu những sản phẩm vaccine mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được giá trị thương mại cao. Vì vậy, để vaccine mang thương hiệu Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là để các tổ chức quốc tế mua với số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu… đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn và việc đạt các tiêu chuẩn NRA là bước khởi đầu cho cơ hội xuất khẩu vaccine.

Qua đợt đánh giá NRA vừa qua, WHO cho biết, trước mắt, 4 loại vaccine của Việt Nam là viêm não Nhật Bản B, sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn, cung cấp cho toàn cầu. Cùng với đó, để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu vaccine, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các tiêu chí để đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, sử dụng, cung ứng, kiểm định vaccine. Bộ Y tế cũng đã đề xuất phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người và đã được Chính phủ chấp thuận. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu mà Bộ Y tế đặt ra là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7 loại vaccine quan trọng phòng bệnh cho người gồm: vaccine đa kháng nguyên, Rota, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A, đáp ứng đủ yêu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước, thay thế vaccine nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

ĐĂNG KHOA