Đầu tư hạ tầng giao thông: Cần khơi thông nguồn vốn cho các dự án PPP

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 19/11/2019

(BKTO) - Trong gần một thập kỷ qua, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi áp dụng hình thức đầu tư này vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn đang làm nản lòng các nhà đầu tư.



Nhà nước cần có Quỹ Hỗ trợ phát triển PPP. Ảnh: Thái Anh

Vốn vẫn là khó khăn hiện hữu

Tính đến nay, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đã thu hút được 220 dự án theo phương thức PPP. Trong đó, nhiều dự án đã được hoàn thành, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hiện thực chủ trương khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực GTVT vẫn còn bộc lộ không ít bất cập về cơ chế, chính sách. Do đó, kết quả thu hút vốn và chất lượng các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả và xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ công, tạo dư luận tiêu cực về dự án PPP.

Thông qua khảo sát tại 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ TP. Cần Thơ tới tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng nhìn nhận, có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP, từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua. Theo ông Chủng, băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư PPP là nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn. Trước đây, quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công nhưng hiện nay đã có những quy định quản lý khác, tuy nhiên dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công. Vì vậy, Dự thảo Luật PPP cần rành mạch hơn trong quản lý vốn, nên chia tách vốn đầu tư công và tư để quản lý. “Đặc biệt, vốn với các dự án PPP vẫn là khó khăn hiện hữu khi cơ cấu vốn của các dự án PPP thông thường là 20% vốn chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Như vậy, vốn đầu tư PPP ở đâu ra?” - ông Chủng băn khoăn.

Cần đa dạng hoá nguồn vốn

Tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, việc chưa có chính sách để đa dạng hoá nguồn vốn cho đầu tư PPP khiến gánh nặng rủi ro đang đẩy lên vai ngành ngân hàng, làm khó nhà đầu tư. Theo bà Nguyễn Vân Anh - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, vốn cho các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đa số là từ ngân hàng, nhưng nhiều dự án được ngân hàng tài trợ vốn lại có doanh thu không đạt như dự kiến, do lộ trình tăng phí không được thực hiện, cùng với đó là yêu cầu giảm phí, hoặc tình trạng mất an ninh trật tự. Điều này dẫn tới nguy cơ một số khoản vay của dự án BOT chuyển thành nợ xấu. Cho đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, có đến 1/2 số dự án có doanh thu không đạt như dự kiến. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được, nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng, chúng ta cần nguồn vốn lớn, nhưng nếu không có đột phá về cơ chế thì không thể mở ra cơ chế để khuyến khích nhà đầu tư PPP. Hiện nay, ngành ngân hàng đang ở vai chịu rủi ro lớn nhất trong việc đầu tư theo phương thức PPP. Vì vậy, Dự thảo Luật PPP cần mở ra cơ chế huy động vốn ngoài tín dụng ngân hàng một cách rõ ràng hơn, theo đó không chỉ có 3 nguồn vốn chính là ngân sách, vốn tự có của DN, vốn vay ngân hàng, mà cần có cả nguồn vốn rộng rãi theo phương thức xã hội hoá, cho phép nhà đầu tư huy động từ thị trường.

Để thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo phương thức PPP, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực đề xuất, nên có Quỹ Hỗ trợ phát triển PPP. Quỹ này của Nhà nước và có quy định rõ mức hỗ trợ, có thể chạy từ khoảng 20 - 40% tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Dự thảo Luật PPP cũng nên có một chương mục để quy định về nguồn vốn thực hiện PPP. Ngoài ra, cần phải có giải pháp về vấn đề huy động vốn, bởi hiện nay các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Như vậy, vốn đầu tư PPP ở đâu ra? Ngoài vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng thì huy động vốn ở đâu? Cũng có ý kiến cho rằng, DN có thể huy động trái phiếu. Tuy nhiên, phương án này rất khó thực hiện khi cộng đồng DN trong nước còn non trẻ. Vì thế cần có Quỹ Hỗ trợ DN PPP, như vậy mới khả thi - ông Lực phân tích.

LÊ HÒA