Giải pháp phát triển ngành chế biến nông, thủy sản

Đầu tư - Ngày đăng : 18:20, 20/09/2019

(BKTO) - Ngày 20/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo “Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông sản và thực phẩm chế biến: Thực trạng, bất cập và giải pháp”.


                
   

Quang cảnh Hội thảo

   
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua tăng từ 5-7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%/năm và đạt mức kỷ lục là hơn 40 tỷ USD trong năm 2018. Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu cùng hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình, hợp tác xã. Hoạt động chế biến nông, thủy sản nói chung đang sử dụng khoảng 1,6 triệu lao động với thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ra một số hạn chế, yếu kém của ngành công nghiệp chế biến. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc chỉ đạt cấp độ trung bình của khu vực. Tỷ lệ và tần suất được nâng cấp về công nghệ cũng chỉ bằng 30-50% so với yêu yầu hoặc so với mức độ của các nước khác. Trong khi đó, hoạt động chế biến thủy sản tuy có bước tăng trưởng mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng cũng đối diện một số thách thức, bất lợi như chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm (ATTP) và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...

Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP hiệu quả theo chuỗi cung ứng; xây dựng năng lực (con người, trang thiết bị…), ban hành các quyết định để nâng cao khả năng đánh giá rủi ro về ATTP và hướng đến việc quản lý ATTP dựa trên quản lý rủi ro; thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về ATTP liên thông giữa các cơ quan kiểm tra để thực hiện hiệu quả hơn trong việc kiểm tra nông nghiệp về ATTP cũng như minh bạch thông tin cho cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tuân thủ đúng các quy định về ATTP; chủ động nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên, các đối tác liên quan trong chuỗi sản xuất của mình về tầm quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đảm bảo ATTP. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất, thuế VAT bằng 0% cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; đảm bảo công bằng mọi lĩnh vực đánh thuế VAT giữa hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa; giảm thuế thu nhập DN đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.

Tin và ảnh: LÊ HÒA