Khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập: Cần một cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch

Xã hội - Ngày đăng : 13:50, 26/08/2019

(BKTO) - Bộ Y tế đang rà soát Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập”, dự kiến ban hành và có hiệu lực từ quý III/2019. Với Thông tư này, tới đây, các cơ sở y tế công lập có thể thu giá giường bệnh theo yêu cầu tới 4 triệu đồng/giường/ngày, tiền khám tối đa 500.000 đồng/lượt. Làm thế nào để việc khám, chữa bệnh theo yêu cầu không bị lạm dụng, để bệnh viện tận thu là vấn đề đang được dư luận quan tâm đặt ra.


Đảm bảo chất lượng phù hợp với giá dịch vụ

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư này ban hành khung giá tối đa chứ không phải ban hành một mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cố định. Trên cơ sở khung giá tối đa Bộ Y tế ban hành, các bệnh viện phải xây dựng các khung giá của bệnh viện mình cho phù hợp. Đặc biệt, các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, theo phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn, trong đó có so sánh mặt bằng giá thị trường của dịch vụ đó để quyết định.

Chẳng hạn, đối với dịch vụ ngày giường bệnh, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng/giường/ngày đối với loại 1 giường/1 phòng. Nhưng giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng, mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường. “Trước khi chính thức ban hành Thông tư trên, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với giá dịch vụ, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. Theo đó, sẽ quy định về tiêu chuẩn diện tích buồng bệnh, số giường, cơ sở vật chất...” - ông Liên cho biết.

Bộ Y tế cũng khẳng định, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Người có Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT. Người không có Thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Lo ngại lạm dụng khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Thông tư của Bộ Y tế cũng đặt ra nguyên tắc, các cơ sở y tế chỉ thực hiện hoạt động dịch vụ theo yêu cầu khi đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết để đầu tư xây dựng các khu, đơn vị, trung tâm khám, điều trị theo yêu cầu. Trường hợp đơn vị sử dụng tài sản công do Nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải hoàn thành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao (chỉ được sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu sau khi bảo đảm được việc khám bệnh, chữa bệnh cho người có BHYT). Đồng thời, đơn vị phải lập đề án, báo cáo cơ quan tài chính và cơ quan quản lý xem xét, quyết định theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Mục tiêu áp dụng Thông tư này nhằm “cởi trói” cho các bệnh viện công phát triển, hướng đến tự chủ, giảm gánh nặng cho NSNN. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại, với Thông tư này, các bệnh viện sẽ tập trung đầu tư cho dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để tận thu, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên; trong khi chất lượng khám, chữa bệnh BHYT còn không ít hạn chế.

Những băn khoăn này không phải là không có cơ sở. Bởi kết quả kiểm toán của KTNN những năm gần đây đã chỉ ra nhiều vấn đề khi các cơ sở y tế công lập thực hiện tự chủ, liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư trong khám, chữa bệnh. Theo KTNN, việc liên doanh, liên kết ồ ạt với khu vực tư thiếu sự kiểm soát hợp lý của cấp có thẩm quyền tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm trong hợp tác và phân chia lợi nhuận. Đặc biệt, để tăng doanh thu, một số bệnh viện tuyến T.Ư có xu hướng mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên trong khi các bệnh viện tuyến dưới lại thiếu bệnh nhân, làm phá vỡ kế hoạch phát triển y tế cơ sở. KTNN cũng cảnh báo, việc đầu tư công ào ạt dựa trên nguồn vốn vay không được kiểm soát kỹ có thể dẫn đến rủi ro về hiệu quả đầu tư và lãi suất...

Vì vậy, KTNN cho rằng, vấn đề đặt ra đối với cấp có thẩm quyền là cần có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, có biện pháp để tăng doanh thu hợp pháp cho các bệnh viện.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nam Liên cũng khẳng định, chắc chắn các bệnh viện không thể tận thu được, bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, những đánh giá, cảnh báo của KTNN rất cần được Bộ Y tế xem xét, tính đến khi ban hành, triển khai Thông tư này.

Đ.KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22/8/2019