Sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngành Y tế: Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng

Xã hội - Ngày đăng : 23:05, 24/07/2019

(BKTO) - Quyết liệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, Bộ Y tế đã thu gọn các đầu mối, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị, từ đó giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng.


Giảm hàng chục nghìn biên chế, vị trí quản lý

Báo cáo tại Hội nghị công tác tổ chức cán bộ ngành y tế năm 2019 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh ngày 24/7, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho biết, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Theo đó, đã triển khai thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế so với năm 2015.

Hệ thống tổ chức bộ máy tuyến trung ương đến địa phương được xây dựng thống nhất, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động ổn định, tính hiệu lực hiệu quả cao.
                
   

Bộ Y tế thực hiện tinh giản biên chế nhưng vẫn phải đảm bảo nhân lực khám, chữa bệnh

   
Theo đó, các phòng trong Cục, Vụ thuộc Bộ được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm được 35 phòng, giảm 37,2% và giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.

Đối với 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, thời gian tới Bộ Y tế sẽ rà soát, chuyển giao các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về cho UBND các tỉnh quản lý. Bộ Y tế chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các Trường Đại học Y Dược và một số Bệnh viện chuyên khoa, Bệnh viện hạng đặc biệt. Dự kiến, khi thực hiện lộ trình trên, Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Đối với hệ thống tổ chức y tế địa phương, tại tuyến tỉnh, Bộ Y tế thực hiện mô hình Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm có cùng chức năng theo lộ trình, hoàn thành trước ngày 01/01/2021.

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố đã có quyết định thực hiện mô hình CDC với số đơn vị tuyến tỉnh thực hiện sáp nhập là 266 đơn vị. Ước tính khi 63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc thực hiện mô hình CDC tuyến tỉnh sẽ giảm được 1.260 vị trí lãnh đạo, ước tính giảm chi NSNN khoảng 90,720 tỷ đồng/năm- ông Phạm Văn Tác cho biết.

Đồng thời, về biên chế, khi thực hiện việc thành lập trung tâm CDC tuyến tỉnh và xác định số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, thì số lượng người làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán ước tính sẽ giảm được khoảng 2.140 người, tiết kiệm chi cho NSNN khoảng 154,080 tỷ đồng/năm, đồng thời sẽ tăng cường đội ngũ nhân lực trực tiếp làm công việc chuyên môn vì đã được kiện toàn bộ máy tổ chức.

Tương tự, đối với tuyến huyện, ngành Y tế thực hiện thống nhất mô hình Trung tâm Y tế huyện thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế đa chức năng); các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh và các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có 555/713 đơn vị cấp huyện tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện huyện thành Trung tâm Y tế huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Thông tư số 37/2016/TT-BYT. Đồng thời, đã có 44 tỉnh với khoảng 475 đơn vị cấp huyện thực hiện nhập Trung tâm dân số vào Trung tâm y tế huyện.

Ước tính, việc thực hiện mô hình hợp nhất trên sẽ giảm 2.220 vị trí lãnh đạo, quản lý và giảm 159,840 tỷ đồng/năm do Nhà nước không phải chi ngân sách thường xuyên; biên chế hành chính giảm khoảng 10.899 người, tương ứng giảm chi NSNN ước tính 910,966 tỷ đồng/năm.

Đảm bảo ít nhất 65% viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Trung ương, Chính phủ và Bộ Y tế về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ.

Cụ thể, về tổ chức bộ máy, Bộ đang xây dựng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế Trung ương gồm: Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung ương và Cơ quan Quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế Trung ương; kiện toàn hệ thống giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các địa phương về kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức của hệ thống y tế địa phương. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh, mô hình Trung tâm y tế hai chức năng; kiện toàn hệ thống y tế tuyến cơ sở theo Nghị định số 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, công tác cán bộ theo quy định của pháp luật trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

Về biên chế, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp tối thiểu trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức, bảo đảm vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Chúng ta cắt giảm nhân lực nhưng không cắt giảm nhân lực khám chữa bệnh cho người bệnh; tiết kiệm chi phí nhưng không tiết kiệm chi phí cho sức khỏe người bệnh.

Bài và ảnh: Đ. KHOA