Tăng vốn điều lệ cho bốn ngân hàng thương mại trụ cột

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:25, 01/07/2019

(BKTO) - Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) trụ cột gồm: NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại nóng lên khi cơ quan quản lý các NHTM và chính bản thân lãnh đạo các NHTM trụ cột này đều liên tục lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NHTM để tăng vốn điều lệ nhằm vượt qua giới hạn CAR đang lùi về dưới 9%, không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện Chuẩn mực Basel II trong những năm tới.


Thêm vào đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao của các NHTM trụ cột cũng chịu tác động đáng kể từ giới hạn tăng vốn điều lệ của các NHTM này. Tuy nhiên, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và 4 NHTM trụ cột cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, ban, ngành có liên quan cũng như tạo ra nhiều băn khoăn cho xã hội, cho giới chuyên môn do căn cứ đề xuất chưa thực sự vững chắc và thiếu cách tiếp cận toàn diện.

Trước hết, NHNN Việt Nam không nên đề xuất một giải pháp chung là cho phép cả 4 NHTM trụ cột giữ lại phần nộp NSNN từ phần vốn nhà nước tại NHTM hoặc nộp bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tăng vốn điều lệ do mỗi NHTM trụ cột có đặc điểm rất khác nhau và theo đó có nhiều phương án tăng vốn điều lệ (nếu cần) cũng như có nhiều chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc khác biệt phù hợp với từng NHTM. Nói cách khác, không thể chỉ có một lời giải cho nhiều bài toán khác nhau.

Thứ hai, phần nộp NSNN của cả 4 NHTM trụ cột khoảng vài nghìn tỷ đồng mỗi năm không phải là quá lớn so với hơn 1 triệu tỷ đồng thu NSNN năm 2018 hay 150.313 tỷ đồng riêng thu về vốn chẳng hạn song nếu thiếu khoản thu đó thì thâm hụt NSNN có thể không dừng lại ở 3,46% GDP hoặc gây áp lực lên các nhiệm vụ thu khác để bảo đảm chi NSNN cũng như trang trải khoản chi trả nợ gốc đã lên đến 133.495 tỷ đồng năm 2018 và còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới.

Hơn nữa, NSNN đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng hạn chế đầu tư cho các DNNN, trong đó có cả trường hợp của các NHTM trụ cột có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí tới 100% như ở Agribank. Ngoài ra, việc quản lý vốn nhà nước tại các DN có phần vốn nhà nước đang được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó có nòng cốt là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nên nếu thay khoản nộp NSNN bằng cổ phiếu, nghĩa là tăng thêm tỷ trọng vốn nhà nước tại các NHTM trụ cột, sẽ không chỉ đi ngược lại xu thế đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN và rút dần vốn nhà nước khỏi những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần hoặc cổ phần chi phối mà còn phải điều chỉnh cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các NHTM trụ cột khi NHNN Việt Nam vẫn là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn nhà nước tại các NHTM này (cơ chế bộ chủ quản), chứ không phải là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước như đối với trường hợp hàng loạt tập đoàn khổng lồ là: Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV),...

Thứ ba, muốn tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột thì nguồn vốn ngoài nhà nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng không kém so với nguồn vốn nhà nước đã, đang và sẽ ngày càng khó bố trí sắp xếp trong bối cảnh các khoản chi NSNN đang được cơ cấu lại theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên dành vốn cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, vấn đề của Agribank là thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa hoặc thông qua bán một phần vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn chứ không phải lại bơm thêm vốn nhà nước cho Agribank.

Tương tự như vậy đối với Vietinbank và BIDV, khi tỷ trọng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa 2 NHTM trụ cột này vẫn còn quá lớn sau nhiều năm thực hiện cổ phần hóa, thậm chí tỷ trọng này ở BIDV vẫn đến 95,28%. Kinh nghiệm và bài học giảm tỷ trọng vốn nhà nước xuống 65% thông qua bán vốn, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước của chính Vietcombank cần được lãnh đạo Vietinbank và BIDV tham khảo, học tập nghiêm túc thay vì chỉ quẩn quanh trông chờ vào “bầu sữa” NSNN vốn đang rất không dồi dào như hiện nay. Cũng chính Vietcombank là NHTM trụ cột có quy mô lợi nhuận và các chỉ số tài chính tốt nhất và ngày càng củng cố vị trí dẫn đầu so với 3 NHTM trụ cột còn lại có phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng áp đảo tuyệt đối hơn nhiều.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi có cần tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM trụ cột của Việt Nam hay không và nếu cần thì tăng cho NHTM nào, tăng bao nhiêu, khi nào và bằng cách nào cần được tiếp cận một cách toàn diện, từ vấn đề thể chế, nguồn lực tài chính quốc gia đến phương thức và hiệu quả sử dụng vốn của mỗi NHTM trụ cột; đồng thời đặt chiến lược phát triển, đề án tái cấu trúc toàn diện mỗi NHTM trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong chiến lược cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Có như vậy, mỗi đề xuất điều chỉnh vốn điều lệ của các NHTM trụ cột mới có sức thuyết phục, đảm bảo tính khả thi và quan trọng hơn cả là đảm bảo mỗi đồng vốn của Nhà nước đều được sử dụng với hiệu quả cao nhất, ích nước lợi dân.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019