Để kỹ thuật số trở thành đòn bẩy cho kiểm toán nội bộ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 24/06/2019

(BKTO) - Theo các chuyên gia của PwC Việt Nam, các chức năng của kiểm toán nội bộ (KTNB) cần chuyển đổi theo hướng kỹ thuật số để phù hợp với sự phát triển năng động của DN.


Bắt đầu từ kỹ năng số hóacủa kiểm toán viên

“Khảo sát tuân thủ và kiểm toán tuân thủ toàn cầu năm 2019” của PwC đã cho thấy, khi các chức năng KTNB cũng chuyển đổi để phù hợp hơn với xu hướng kỹ thuật số của DN, các nhà đầu tư sẽ đưa ra quyết định tốt hơn và chấp nhận rủi ro thông minh hơn. Cụ thể, các cổ đông có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào những sáng kiến ​​kỹ thuật số cao, họ tin tưởng vào cơ hội hơn là các mối đe dọa và rủi ro tăng cao mà công nghệ mới mang lại.

Hơn 2.000 giám đốc điều hành tham gia khảo sát của PwC đều cho rằng, khi các DN đã chuyển đổi sang kỹ thuật số, sự nhạy bén và nâng cao kỹ năng số của KTNB cần được cải thiện. Theo đó, các kiểm toán viên cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về dữ liệu bởi nó là trung tâm của kỹ thuật số. Thông qua khảo sát, các chuyên gia của PwC đã đưa ra một số gợi ý để bộ phận KTNB hiểu được các kỹ năng họ cần cải thiện:
Một là, KTNB không yêu cầu tất cả các kiểm toán viên đều phải là chuyên gia tự động hóa dựa trên robot (RPA) hoặc các nhà khoa học dữ liệu. Nhưng ở thời kỳ kỹ thuật số bùng nổ, họ cần phải hiểu các nguồn dữ liệu để đánh giá chất lượng, kiểm tra một thuật toán có hoạt động như kế hoạch hay không, từ đó rút ra thông tin mình muốn có.

Hai là, bộ phận KTNB cần có kế hoạch đào tạo để các kiểm toán viên có thêm kỹ năng kiểm toán các công nghệ mới nổi, như: công nghệ điện toán đám mây, tự động hóa các quy trình kinh doanh, internet vạn vật và nhiều kỹ năng khác...

Ba là, DN cần phối hợp với KTNB để có các chương trình nâng cao kỹ năng công nghệ số. Để tăng mức độ hiểu biết kỹ thuật số, các kiểm toán viên cần làm việc với DN của mình về các sáng kiến ​​mới, phối hợp với các chức năng kiểm toán rủi ro và kiểm toán tuân thủ để đào tạo và xây dựng các chương trình nâng cao năng lực kỹ thuật số của riêng DN.

Bốn là, đối với kỹ thuật số, KTNB vẫn cần một đội ngũ chuyên gia thực thụ. Các kiểm toán viên hiện nay thường thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh và có các kỹ năng về toán học, dữ liệu, hoặc có kiến ​​thức khoa học, thống kê, kinh tế và một số lĩnh vực khác. Vì vậy, các DN hoàn toàn có thể tự xác định năng lực nhân viên hiện tại của mình để đào tạo họ trở thành chuyên gia.

Đánh giá rủi ro thông quakỹ thuật số

Theo khảo sát của PwC, công nghệ có thể giúp bộ phận KTNB không chỉ cải thiện các quy trình mà còn làm nên những điều khác biệt. Cụ thể như: KTNB có thể áp dụng công nghệ trong việc phân tích để lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Đặc biệt, công nghệ số có thể khiến KTNB thiết kế lại việc đánh giá rủi ro được điều khiển thông qua dữ liệu, tận dụng các phân tích để liên tục theo dõi, kiểm soát và cung cấp thông tin chi tiết hơn cho các bên liên quan. Ngoài ra, việc sử dụng tự động hóa quy trình thông qua robot có thể hỗ trợ KTNB trong việc giám sát hoặc thực hiện các công việc thường xuyên như truy xuất dữ liệu và kiểm tra, kiểm toán.

Thông qua kết quả khảo sát, các chuyên gia của PwC đã nhận thấy tầm quan trọng của việc KTNB tham gia sớm vào quá trình DN chuyển đổi công nghệ số. Bởi lúc này, KTNB có thể đóng vai trò là đầu mối xem xét rủi ro và tư vấn quản trị. Sau đó, khi công nghệ trở nên phổ biến tại DN, KTNB sẽ đóng vai trò vừa là nhà tư vấn vừa là nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo. Đối với các công nghệ lớn hơn như điện toán đám mây, KTNB hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp bảo đảm rủi ro và kiểm soát cho DN.

Hiện nay, KTNB đã đánh giá rủi ro và lập kế hoạch kiểm toán thường xuyên hơn so với trước đây. Khi DN với sự hỗ trợ của số hóa ngày càng phát triển nhanh, các chức năng KTNB cũng phải vận động theo, nhất là trong việc lập kế hoạch, kiểm tra và xác nhận trong các chu kỳ nước rút. KTNB không còn chờ đợi để gửi ý kiến ​​kiểm toán sau khi dự án đã kết thúc, với chu kỳ thường xuyên hơn, các chức năng KTNB sẽ đóng góp ý kiến theo những cách linh hoạt và thời gian thực hơn. Việc đầu tư vào dữ liệu, phân tích và công nghệ đã giúp KTNB có được các mối tương quan dữ liệu khác nhau, từ đó phát hiện các rủi ro chiến lược và hợp tác chặt chẽ hơn với các “tuyến phòng thủ” khác trong quản lý và giám sát rủi ro của DN. Thông qua các công cụ phân tích và hồ sơ dữ liệu số hóa với các dữ liệu phổ biến, chính xác, KTNB có thể liên tục đánh giá lại để điều chỉnh hồ sơ theo hướng ưu tiên tốt hơn các rủi ro và theo kịp tất cả sáng kiến ​​kỹ thuật số.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019