Quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014: Còn nhiều hạn chế

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:00, 06/10/2016

(BKTO) - Năm 2014, Chính phủ đã phân bổ trên 99.544 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Kết quả kiểm toán “Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2014” cho thấy, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương quản lý và sử dụng nguồn vốn này cơ bản tuân thủ quy định. Tuy nhiên, KTNN vẫn phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.



Năm 2014, lĩnh vực giao thông được phân bổ trên 56 nghìn tỷ đồng vốn TPCP Ảnh: TS
Bất cập trong phân bổ vốn, giao vốn

Trong tổng vốn TPCP phân bổ năm 2014 thì giao thông, thủy lợi, y tế là 3 lĩnh vực được thụ hưởng vốn nhiều nhất. Cụ thể, lĩnh vực giao thông được phân bổ hơn 56.704 tỷ đồng, chiếm 57%; lĩnh vực thủy lợi được 17.307 tỷ đồng, chiếm 17%; lĩnh vực y tế được 10.758 tỷ đồng, chiếm 10,8%. Số vốn còn lại được phân bổ cho các lĩnh vực, dự án, công trình, chương trình khác, như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chiếm 4,8%); đối ứng các dự án ODA (chiếm 7,82%); các công trình thuộc dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La (chiếm 2,08%)...

Qua kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2014, KTNN cho rằng, hạn chế đáng chú ý trong phát hành, quản lý và sử dụng nguồn vốn này năm 2014 là tỷ lệ phát hành vốn TPCP có kỳ hạn ngắn, nhất là kỳ hạn dưới 3 năm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, tới 53,94% trên tổng số phát hành (năm 2013 là 80,26%), gây áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Một hạn chế nữa là Chính phủ đã giao kế hoạch vốn TPCP năm 2014 chưa sát và không phù hợp với nhu cầu. Điển hình như với tỉnh Phú Thọ, các dự án ngành giao thông đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2013 được giao tới 68,3 tỷ đồng/11,5 tỷ đồng nhu cầu, trong khi các dự án ngành thủy lợi được giãn, hoãn tiến độ thực hiện, bố trí vốn để thanh toán khối lượng đã thực hiện và đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý lại chỉ được giao 325 tỷ đồng/534,6 tỷ đồng nhu cầu. Không riêng gì tỉnh Phú Thọ, tại tỉnh Điện Biên và Bạc Liêu cũng có dự án được giao vốn TPCP cao hơn so với nhu cầu. Với Bộ Giao thông vận tải thì lại có nhiều dự án, như Dự án nâng cấp Quốc lộ 60 đoạn Trung Lương - Rạch Miễu; Dự án cầu Hàm Luông (Quốc lộ 60); Dự án đường Hồ Chí Minh - tuyến chính; Dự án Quốc lộ 57 (Mỏ Cày - Vĩnh Long); Dự án Bền vững hóa công trình do mưa lũ gây ra năm 2009 trên đường Hồ Chí Minh đoạn Quảng Bình - Kon Tum (TP2) được giao vốn TPCP thấp hơn so với nhu cầu, trong đó có dự án được giao vốn chỉ đạt 11% nhu cầu.

Bên cạnh đó, KTNN còn chỉ ra một số dự án được giao vốn nhưng lại không thuộc danh mục dự án được sử dụng vốn TPCP, như Dự án cầu Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang); Phòng khám đa khoa khu vực Mường Toong, Mường Nhé, Pú Tửu (Điện Biên); Phòng khám đa khoa Xuân Quang, Phong Hải, Tân An, Pom Hán (Lào Cai).

Kiến nghị xử lýtài chính hơn 807 tỷ đồng

Thực tế, qua kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2014 cũng cho thấy, một số địa phương đã dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn vượt mức vốn TPCP được phê duyệt cho dự án; 26 địa phương được bố trí hơn 417 tỷ đồng vốn TPCP để đối ứng cho một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA không đúng với dự án được duyệt (dự án xác định nguồn vốn đối ứng là ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn khác), vượt tỷ lệ vốn đối ứng, bố trí vốn khi chưa ký hiệp định, văn kiện dự án với nhà tài trợ.

Tại một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế trong phân bổ vốn TPCP năm 2014, như phân bổ vốn chậm; phân bổ không sát với thực tế nên phải điều chỉnh, điều chuyển vốn cho dự án khác; không phân bổ hết số vốn được T.Ư giao hoặc phân bổ vượt tổng mức vốn TPCP được hỗ trợ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, phân bổ sai đối tượng; điều chỉnh kế hoạch vốn không chính xác dẫn đến kế hoạch vốn sau điều chỉnh vượt kế hoạch vốn cả giai đoạn.

KTNN cũng cho biết, có địa phương đã ứng trước kế hoạch vốn cho một số dự án không phù hợp với mục tiêu ứng trước (các dự án cấp bách, còn thiếu vốn, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện), dẫn đến không giải ngân hết số vốn đã ứng. Đơn cử như tỉnh Phú Thọ ứng trước kế hoạch vốn năm 2015 là 227,5 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 89,8 tỷ đồng, đạt 39,5%. Có địa phương lại cho nhà thầu tạm ứng toàn bộ số vốn địa phương được ứng trước cho dự án, hoặc cho một số dự án ứng trước kế hoạch vốn vượt kế hoạch vốn giai đoạn 2012-2015 của dự án.

Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, KTNN cũng nêu rõ một số địa phương đã phân bổ vốn TPCP cho Chương trình chậm và vượt định mức tới 727,9 tỷ đồng (trong đó có nhiều địa phương phân bổ vượt định mức cao như Bến Tre, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Hậu Giang, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Nghệ An…). Có địa phương cũng đã phân bổ vốn cho một số công trình, dự án không thuộc danh mục đầu tư trong Đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt.

Qua kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2014, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 807,8 tỷ đồng. Trong đó, KTNN kiến nghị thu hồi nộp NSNN hơn 39 tỷ đồng; thu hồi tạm ứng sai quy định gần 1,6 tỷ đồng; giảm thanh toán 176 tỷ đồng; giảm giá gói thầu, giá hợp đồng gần 158 tỷ đồng; bố trí nguồn hoàn trả vốn TPCP hơn 248 tỷ đồng; hủy kế hoạch vốn hơn 41 tỷ đồng và xử lý khác hơn 143 tỷ đồng.

PHÚC KHANG