Năng suất lao động thấp, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu

Đầu tư - Ngày đăng : 15:15, 22/03/2019

(BKTO) - Đây là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều ngày 21/3, tại Hà Nội.


Theo đại diện VCCI, năng suất lao động là một trong những nhân tố căn bản quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời là động lực cho quá trình phát triển dài hạn. Trong khoảng một thập niên gần đây, năng suất lao động tại Việt Nam dù thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nhưng lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
                
   

Toàn cảnh Hội thảo

   
Điều này gợi ra những lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình ngay từ giai đoạn đầu. Vì lý do đó, việc tìm kiếm những giải pháp dài hạn cho việc cải thiện năng suất lao động cho toàn bộ nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng.

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Đức Thành cho hay, trong 25 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3 lần, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của các nước khác và nguy cơ tụt hậu đã thực sự là nhãn tiền. Thực tế này đang và sẽ gây tác hại, cản trở đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

TS. Thành cũng nhấn mạnh đến vai trò của DN góp phần làm tăng năng suất lao động, tuy nhiên“nhìn chung, các DN vẫn chưa hiểu đúng và chú trọng cho hoạt động đầu tư mua sắm, thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại để hỗ trợ người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tiên tiến để nhân công có thể tận dụng, phát huy tối đa năng lực và từ đó cũng nâng cao năng suất lao động...” - TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch VCCI) cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng năng suất đang có dấu hiệu giảm. Bà Lan cũng bày tỏ lo ngại, khi nhóm ngành nông, lâm và thuỷ sản (nhóm ngành tập trung đông lao động nhất) vẫn đứng đầu nhóm ngành có năng suất lao động thấp. Trong khi đó, theo bà Lan, các ngành công nghiệp, xây dựng mặc dù được xếp vào nhóm có năng suất lao động cao nhất, nhưng thực tế, hiệu quả sản xuất tại các ngành này thấp, dù được đầu tư rất lớn.
                
   

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu thảo luận tại Hội thảo

   
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất thấp kéo dài cũng như đề xuất các giải pháp nhằm làm tăng năng suất lao động, góp phần để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, các đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức trên thế giới cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng năng suất lao động đã được các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thực hiện thành công… Các ý kiến đều nhấn mạnh: Việt Nam muốn xây dựng thành công phong trào năng suất quốc gia cần hội tụ các yếu tố từ cam kết của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến nâng cao nhận thức quốc gia và có các biện pháp thực thi hiệu quả.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC