Nâng cao hiệu quả của các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đầu tư - Ngày đăng : 11:15, 16/02/2017

(BKTO)- Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang được lấy ý kiếnvà dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới. Xung quanh Dựthảo Luật này, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ hỗ trợ DNNVV, tăngcường khả năng tiếp cận của DN với các quỹ này là vấn đề được nhiều đại biểu Quốchội và các DN kỳ vọng.



Nhiều DN không mặn mà với việc vay vốn từ các quỹ hỗ trợ.Ảnh TS

DNNVV khó tiếp cận các quỹ hỗ trợ

Hiện nay, đang tồn tại 2 quỹ hỗ trợ cho DNNVV đó là Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập từ năm 2013 và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV - được thành lập và hoạt động tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định 58/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các DNNVV kỳ vọng hoạt động của các Quỹ này sẽ giúp có thêm nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn từ các Quỹ còn gặp nhiều khó khăn nên hoạt động của các Quỹ chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Kiểm toán tại tỉnh Thái Nguyên cho thấy, hầu hết các DN chưa được tiếp cận, thậm chí không mặn mà với việc vay vốn từ các quỹ hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Liên - Chánh Văn phòng Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên - cho biết, hiện Hiệp hội có hơn 300 hội viên, rất nhiều DN trong Hội gặp khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, song Quỹ chưa mang lại ưu đãi thực sự cho DN. Bà Liên phản ánh, Quỹ Bảo lãnh tín dụng bảo lãnh thông qua ngân hàng mà ngân hàng lại cho vay theo mặt bằng lãi suất cao, chưa có tính ưu tiên. Bên cạnh đó DN còn phải trả các khoản phí cho Quỹ hoạt động, nên càng đẩy lãi suất lên cao, thậm chí còn cao hơn cả lãi suất vay ngân hàng, trong khi thủ tục vay vốn rất nhiêu khê nên nhiều DN không muốn vay. “Gọi là vay qua Quỹ Bảo lãnh nhưng việc xét duyệt hồ sơ quá chặt chẽ, phiền hà trong khi các ngân hàng còn mời gọi DN đến vay với thủ tục nhanh gọn thì tội gì DN phải vay qua Quỹ Bảo lãnh.”- bà Liên chia sẻ.

Đặc biệt, các điều kiện để được bảo lãnh khiến các DN khó đáp ứng được yêu cầu, nhất là quy định về tài sản đảm bảo (vì đã thế chấp với ngân hàng), quy định về mức vốn, phương án sản xuất kinh doanh... Các DN cho rằng, nếu đáp ứng được các yêu cầu này thì DN đã có thể vay của các ngân hàng, không phải tìm đến Quỹ để vừa mất thêm thời gian, chi phí thẩm định và phí bảo lãnh tín dụng 0,8%/năm trên tổng số tiền được bảo lãnh, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng như bình thường.

Cũng theo bà Liên, Nghị định 56/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV đã có những quy định trợ giúp khá toàn diện cho loại hình DN này song trên thực tế những ưu đãi, hỗ trợ về vốn còn “quá xa vời” với DN. Từ thực tế đó, đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, Nhà nước cần có quy định sao cho mức lãi suất mà các DNNVV vay qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, đồng thời DN không phải “gánh” những khoản phụ phí khác như phí chống rủi ro, phí duy trì hoạt động Quỹ… để những khoản vay này thực sự là nguồn vốn ưu đãi cho DN. Đặc biệt, Nhà nước cần có đánh giá, tổng kết về hiệu quả thực sự của các quỹ hỗ trợ đối với DN để có những sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp.

Đảm bảo các Quỹ hoạt động hiệu quả

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, các quỹ hỗ trợ DNNVV hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu quy định cụ thể về thiết chế, tổ chức, hoạt động của các quỹ, để đảm bảo việc thực hiện, triển khai đồng bộ, thống nhất; đồng thời quy định cụ thể việc cân đối các nguồn lực tài chính để hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng từ các quỹ.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta có 2 quỹ là Quỹ Hỗ trợ phát triển DN và Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng 2 quỹ này hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho 2 Quỹ này và bổ sung thêm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ các DN khởi nghiệp.

Đặc biệt, để bảo đảm các Quỹ này được thành lập và hoạt động có hiệu quả, nhất là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV phải trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho DNNVV vay vốn tại các ngân hàng, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của từng Quỹ trình Quốc hội xem xét, thông qua.

N. HỒNG- N. LỘC