Khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Chú trọng tạo dựng môi trường, cơ chế thu hút các nhà đầu tư

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:10, 24/12/2018

(BKTO) - Tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông. Tuy nhiên, các DN khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn khiêm tốn.


Ứng dụng AI - cơ hộivà thách thức

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, trong vòng 30 năm tới, AI sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, tiến tới biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Trên thế giới, đầu tư vào AI liên tục tăng, từ 415 triệu USD (năm 2012) lên 5 tỷ USD (năm 2017).

Đối với Việt Nam, ứng dụng AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh, Đại học Harvard (Mỹ), các nước trên thế giới được phân thành 4 nhóm về sự phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp vào nhóm “đột phá” có cơ hội lớn để trở nên nổi bật về kinh tế số trong tương lai. Trong khi đó, Microsoft đánh giá, có 3 lý do chính để Việt Nam phát triển AI. Thứ nhất, nguồn cung cấp dữ liệu, khi Việt Nam có dân số đông, đồng thời là khu vực gắn liền với kỹ thuật số nhiều hơn các khu vực khác thì đây sẽ là nguồn cung cấp số lượng lớn dữ liệu mà hệ thống AI cần để phát triển. Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là nơi có thể cung cấp nguồn lực tốt. Thứ ba, người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận cũng như sẵn sàng đón nhận công nghệ kỹ thuật số để nâng cao cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển AI. Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (Công ty Cổ phần Công nghệ VDSpaces) Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, khó khăn và cũng là bài toán lớn ở Việt Nam hiện nay là làm sao đưa được AI vào chuyên ngành. Ngoài ra, các dự án AI chứa đựng tính rủi ro cao hơn rất nhiều so với dự án công nghệ thông tin bình thường. Người làm AI cũng phải kết nối được với kiến thức chuyên ngành để xây dựng các giải pháp mang tính khả thi, đem lại hiệu quả thực tế khi áp dụng.

Đề cập thêm về những khó khăn của các startup trong lĩnh vực AI, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ LC Việt Nam Nguyễn Thành Công cho hay, làm AI thì yếu tố đầu tiên cần là dữ liệu. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ thẩm tra, dán nhãn dữ liệu, tinh gọn dữ liệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đội ngũ nhân lực này đang thiếu hụt, nguồn dữ liệu lớn không có... Bên cạnh đó, việc phát triển AI còn vướng phải những rào cản pháp lý. Theo Nghị định số 108/2016/NĐ-CP quy định sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng, hoạt động kinh doanh phải có giấy phép, với rất nhiều các yêu cầu đi khá sâu vào vấn đề kỹ thuật; những quy định như vậy là không phù hợp với tính chất lĩnh vực này.
Cần chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ

Để hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực AI phát triển trong tương lai, theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, Nhà nước cần có chính sách mở để người dân, cộng đồng dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu ứng dụng sản phẩm AI. “Hiện nay, rất nhiều startup cũng đặt vấn đề liệu rằng sản phẩm AI có người dùng không? Từng có ứng dụng đặt giờ hẹn khám bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam nhưng đều thất bại, bởi bệnh viện công từ chối tiếp nhận, trong khi bệnh viện tư thì số lượng quá ít” - ông Phạm Hồng Quất nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Infore Technology Lê Công Thành cho rằng, các startup trong lĩnh vực AI cần một số hỗ trợ từ phía cơ chế, chính sách, cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất, cần nhìn nhận rõ cơ hội và bài toán trong việc tự làm startup lĩnh vực AI, tạo cơ hội cho startup liên kết với Nhà nước, giải quyết bài toán của cơ quan quản lý đặt ra. Thứ hai là nguồn vốn. Một số đề tài, dự án của cơ quan quản lý nhà nước mới ở giai đoạn bắt đầu với nguồn vốn ít, chưa có các nguồn đầu tư vào cho startup, trong đó có lĩnh vực AI. Thứ ba, cần truyền thông để mọi người phân biệt rõ giữa startup và khởi nghiệp. Thứ tư, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tạo cơ chế, chính sách điều kiện cho các lĩnh vực mới.

Đưa ra lời khuyên cho các startup Việt, ông Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, nếu muốn làm về AI, startup cần có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và công nghệ. Ngoài ra, tham gia vào lĩnh vực này còn đòi hỏi người làm phải chuyên nghiệp, nếu không khó đạt được thành công.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018